Mỏ đá nổ mìn gây ô nhiễm vừa hoạt động lại tiếp tục bị dân chặn lối vào

(PLO)- Mỏ đá nổ mìn gây ô nhiễm môi trường ở xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình đang trong thời gian khắc phục các tồn tại, hạn chế tiếp tục bị người dân chặn lối vào...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với PLO ngày 2-1, ông Bùi Viết Thường, chủ tịch UBND xã Liên Sơn cho biết, trên địa bàn có việc mỏ đá nổ mìn gây ô nhiễm bị người dân chặn lối vào.

Mỏ đá này của Công ty TNHH Nam Phương, mới được hoạt động trở lại cách đây vài ngày sau thời gian bị đình chỉ hoạt động để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên, khi vừa hoạt động trở lại thì tiếp tục bị người dân phản đối vì nổ mìn gây ô nhiễm, khói bụi.

Mỏ đá Lộc Môn nổ mìn khai thác đá gây ô nhiễm. Video XUÂN NGUYỄN

Người dân chặn lối vào mỏ đá

Phản ứng gần nhất của người dân là ngày 28-12-2023, đến nay chưa có dấu hiệu lắng xuống. Bà con vẫn đang rất bức xúc và đề nghị chính quyền địa phương, công ty Nam Phương giải quyết dứt điểm các vấn đề mà người dân đã phản ánh trước đây.

Mỏ đá nổ mìn gây ô nhiễm bị đình chỉ, vừa hoạt động lại tiếp tục bị dân chặn lối vào
Người dân tập trung chặn đường vào mỏ đá nổ mìn gây ô nhiễm. Ảnh người dân cung cấp

Trao đổi với PV, một số người dân cho biết, hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty Nam Phương gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân từ lâu. Người dân đã phản ánh đến cơ quan chức năng và mỏ đá này đã bị tạm dừng hoạt động.

Bà Hưởng, sống gần mỏ đá cho hay, sáng nay, 2-1, một số người dân tiếp tục tập trung chặn lối ra vào mỏ đá tuy nhiên khi được cán bộ địa phương vận động, mọi người đã giải tán.

Một trong những người sống gần mỏ đá, ông LQC cho biết, mong muốn lớn nhất của người dân là không phải chịu cảnh bụi bặm, ô nhiễm môi trường.

Trong báo cáo mới nhất gửi UBND huyện Lương Sơn, UBND xã Liên Sơn cho biết sau khi mỏ đá hoạt động trở lại, chính quyền cơ sở đã lập đoàn kiểm tra và lập biên bản yêu cầu mỏ đá tạm dừng hoạt động. Xã này cũng đề nghị người dân không tụ tập gây mất an ninh trật tự.

mo-da-no-min-gay-o-nhiem-bi-dinh-chi-vua-hoat-dong-lai-tiep-tuc-bi-dan-chan-loi-vao-2-2698.jpg
Tình hình tại khu vực chưa có dấu hiệu lắng xuống khi mỏ đá nổ mìn gây ô nhiễm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh người dân cung cấp

Đối với Công ty Nam Phương, xã Liên Sơn đề nghị UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác mỏ đá và đề nghị tạm dừng hoạt động khai thác đá, nổ mìn gây phát tán khói bụi ra môi trường.

Mỏ đá nhiều vi phạm

Từ thông tin do lãnh đạo xã Liên Sơn cung cấp về mỏ đá nổ mìn gây ô nhiễm, PV đã tìm hiểu về mỏ đá Lộc Môn và được biết, mỏ đá này từng bị phải dừng hoạt động để khắc phục nhiều tồn tại.

Cụ thể, ngày 15-3-2023, Sở Công Thương Hòa Bình cùng các sở, ngành liên quan kiểm tra hoạt động khai thác chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng của Công ty Nam Phương tại mỏ đá Lộc Môn.

mo-da-no-min-gay-o-nhiem-bi-dinh-chi-vua-hoat-dong-lai-tiep-tuc-bi-dan-chan-loi-vao-4-4870.jpg
Mỏ đá Lộc Môn của Công ty Nam Phương nổ mìn gây ô nhiễm. Ảnh CTV

Theo nội dung kiểm tra, vào tháng 1 và tháng 3-2023, Công ty Nam Phương đã nhiều lần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác đá làm phát sinh bụi, ảnh hưởng đến hộ dân thôn Tân Sơn và thôn Lộc Môn, xã Liên Sơn.

Ngoài ra, hoạt động khai thác của Công ty Nam Phương không đảm bảo theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được Sở Xây dựng Hoà Bình thẩm định.

Công ty này cũng không lắp đặt trạm cân tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan. Một số dữ liệu khai thác cho thấy vượt quá 10% mức được cấp phép.

Từ kết quả kiểm tra, UBND tỉnh Hoà Bình đã yêu cầu Công ty Nam Phương tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá Lộc Môn.

Tỉnh yêu cầu công ty Nam Phương lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh để đảm bảo việc khai thác khoáng sản đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế, tính toán giảm lượng thuốc nổ trong một lần nổ.

Đồng thời doanh nghiệp phải lập phương án khắc phục các ảnh hưởng về môi trường trong quá trình khai thác; đầu tư, nâng cấp, bổ sung và duy trì vận hành có hiệu quả các công trình, biện pháp giảm thiểu bụi, khí thải trong quá trình khai thác, chế biến đá nhằm xử lý triệt để chất thải phát sinh, không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm