Mô hình tổ chức các cơ quan tố tụng nào cho TP Thủ Đức?

Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về chính quyền đô thị TP.HCM và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM. Đây được coi là mô hình TP trong TP đầu tiên ở Việt Nam với những đặc điểm riêng biệt, đặc thù. 
Ngoài việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương mang tính đặc thù, mô hình tố tụng ở TP Thủ Đức cũng được rất nhiều người quan tâm. Các chuyên gia của Pháp Luật TP.HCM thử đưa ra những ý kiến góp ý về cơ cấu, tổ chức bộ máy và cách thức vận hành của các cơ quan tiến hành tố tụng cho TP đặc biệt này. 
Thẩm quyền bằng cấp huyện
Thứ nhất, việc sáp nhập ba quận thành TP Thủ Đức thì vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện. Vì vậy, mô hình tố tụng vẫn tổ chức tương đương cấp huyện theo các quy định hiện nay.

Thứ hai, về thẩm quyền đã tổ chức bộ máy CQĐT, VKS, tòa án theo cấp huyện thì thẩm quyền truy tố, xét xử theo tính chất nghiêm trọng của vụ án (loại tội phạm) vẫn theo BLTTHS 2015. Tức là TAND TP Thủ Đức có thẩm quyền xét xử các loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng có khung hình phạt đến 15 năm tù. 

Thứ ba, do sáp nhập nên số vụ án cần giải quyết sẽ là tổng số lượng án của ba quận hiện nay. Do đó, phải cân nhắc phương án về biên chế, nhân sự đối với thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ và lãnh đạo sao cho phù hợp với nhu cầu công việc do địa bàn rộng, nhiều án. 
Thứ tư, TP Thủ Đức là TP thông minh, sáng tạo, tương tác cao nên việc áp dụng các phương tiện khoa học, công nghệ vào quản lý, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm cũng sẽ thuận lợi và xứng tầm như kỳ vọng. Do đó cũng không quá khó khăn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm như một số ý kiến băn khoăn. 
TS LÊ NGUYÊN THANH, Trưởng bộ môn tội phạm học, Trường ĐH Luật TP.HCM 
Đừng để cái áo quá chật!
Tôi cho rằng cần sửa luật để tăng thẩm quyền lớn hơn cho các cơ quan tố tụng TP Thủ Đức sau khi sáp nhập. Chẳng hạn, thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự thì được xét xử những tội phạm bị truy tố ở khung hình phạt trên 15 năm, thay vì chỉ đến 15 năm như các quận hiện nay.

Với án hành chính, cho tòa án TP này thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ kiện mà hiện nay TAND cấp tỉnh đang giải quyết. Trong án dân sự, những vụ án có yếu tố nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài thì vẫn có thẩm quyền giải quyết... Để làm được việc đó cần sửa đổi nhiều các quy định liên quan bởi thẩm quyền xét xử của tòa án tăng thì kéo theo thẩm quyền của các cơ quan khác là CQĐT, VKS, THA sẽ tăng theo.

Để thực hiện việc mở rộng thẩm quyền hiệu quả thì có thể điều chuyển thẩm phán trung cấp tại TAND TP.HCM về TAND TP Thủ Đức để giải quyết những vụ án lớn, phức tạp, nghiêm trọng…Về cơ cấu tổ chức, với một địa bàn rộng, khi sáp nhập lượng án thụ lý khoảng 8.000 vụ/năm thì phải cần sự chuyên môn hóa. Do vậy, có thể là xây dựng các tòa chuyên trách, phụ trách từng mảng chuyên môn như là một dạng thu nhỏ của TAND TP.HCM. Trụ sở của cơ quan tư pháp và cơ cấu lãnh đạo cũng phải thay đổi theo cho phù hợp. 
TP Thủ Đức là một mô hình mới về hành chính mang tính là sự đột phá cho quản lý nhà nước cũng như sự vận hành của các cơ quan nhà nước tương ứng. Nếu chỉ giới hạn như cấp huyện trong khi khối lượng và cả chất lượng các vụ việc về tố tụng tăng gấp nhiều lần thì khó ai có thể đảm đương vì đó là “cái áo quá chật”. Vậy nên ngay trong lần thay đổi này, cần đột phá một cách rõ nét, đầy đủ, trở thành một mô hình mẫu dù rất khó khăn và tốn kém. 
Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
Thẩm quyền nên tương đương cấp tỉnh
Theo tôi, thẩm quyền cơ quan tố tụng tại TP Thủ Đức nên tương đương với cấp tỉnh. Nếu TP Thủ Đức không có cơ chế đặc biệt trao quyền cho các cơ quan quyền lực thì xét cho cùng chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện, không có nhiều đột phá về quản lý, phân chia thẩm quyền.

Theo đó, các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng nên có thẩm quyền tố tụng tương đương với cấp tỉnh. Tất nhiên, việc mở rộng thẩm quyền này cần nhiều thời gian, tốn kém và phải có lộ trình phù hợp. Nó phải được điều chỉnh bằng nhiều luật quan trọng như Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức CQĐT hình sự, BLTTHS, BLTTDS… 

Chỉ khi TP Thủ Đức được trao những quyền riêng biệt như mô hình các đặc khu hoặc khu tự trị thì công việc của các cơ quan tiến hành tố tụng mới xứng tầm. Vì vậy, thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND TP Thủ Đức sẽ tương đương với TAND TP.HCM. Lúc này, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm đối với các bản án, quyết định của TAND TP Thủ Đức tương lai. 
Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM
Tăng chất người tiến hành tố tụng
Mô hình tổ chức các cơ quan tố tụng nào cho TP Thủ Đức? ảnh 4
 

TP Thủ Đức với định hướng sẽ trở thành trung tâm lớn trong mọi lĩnh vực, vì thế các vụ án sẽ thay đổi nhiều cả về chất và lượng. Lúc này đòi hỏi đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư phải được tăng cường về trình độ chuyên môn, nhất là năng lực ngoại ngữ để có thể tương thích với sự thay đổi lớn của diện mạo một TP mới.

PGS-TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG, Trưởng Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm