Ngày 5-3, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới 08/2023 liên quan tới chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ. Nghị định này có nhiều nội dung mới so với Nghị định cũ 65/2022.
|
Nghị định mới 08/2023 cho phép tổ chức phát hành kéo dài kỳ hạn và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Được kéo dài kỳ hạn, thanh toán bằng tài sản khác
Thời gian gần đây, rất nhiều công ty rơi vào tình trạng chậm trả gốc và lãi trái phiếu DN đến kỳ đáo hạn. Mới đây nhất, ngày 2-3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết Công ty An Khải Hưng, chuyên kinh doanh địa ốc có trụ sở ở TP.HCM, đã hoàn tất thanh toán lãi 5,4 tỉ đồng cho một lô trái phiếu. Tuy nhiên, vốn gốc của lô trái phiếu này chỉ mới trả cho trái chủ được 1,9 tỉ đồng trong tổng số 179,9 tỉ đồng với lý do chưa thu xếp được nguồn vốn thanh toán.
Cũng vào ngày 2-3, Công ty Đất Xanh miền Nam thông báo chưa thu xếp được nguồn vốn để trả lãi kỳ 12 và 13 cho hai lô trái phiếu với số tiền hơn 3 tỉ đồng. Công ty này cho biết việc chậm trả còn đến từ lý do đang đàm phán với trái chủ chuyển kỳ trả lãi từ theo tháng sang theo quý.
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá ngay từ đầu năm 2023 đã gia tăng các công ty địa ốc gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán nợ. Đặc biệt, nhiều đơn vị đối diện với nguy cơ mất khả năng thanh khoản trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu nợ, tiếp cận nguồn vốn khó khăn và bán hàng ảm đạm.
Những lo ngại này phần nào được giải tỏa thông qua Nghị định 08/2023 mới ban hành, cho phép giải quyết các vấn đề vướng mắc trên thị trường trái phiếu DN hiện nay. Cụ thể, theo luật sư Minh Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, Nghị định 08 giúp các chủ thể trên thị trường có cơ sở pháp lý để tháo gỡ một phần khó khăn về xử lý các khoản nợ đáo hạn.
Theo đó, có hai điểm quan trọng của nghị định mới lần này là cho phép DN phát hành kéo dài kỳ hạn trái phiếu không quá hai năm, trong khi đó với quy định cũ DN không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành. Việc tìm kiếm nguồn vốn đảo nợ với trái phiếu DN hiện nay rất khó. Do đó, nghị định mới mở ra cơ hội cho DN đàm phán với chính trái chủ để kéo giãn thời gian trả nợ, cũng như cho phép họ có thêm thời gian tái cấu trúc tài chính và bán hàng để có nguồn tiền trả nợ.
Ngoài ra, nghị định mới mở ra phương án cho DN phát hành có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, gồm cả bất động sản. Đây là phương án khả thi, cần thiết trong thời điểm hiện nay và quan trọng hơn cũng là bảo đảm cho những trái phiếu đã phát hành không tạo ra những rủi ro lớn cho hệ thống tài chính.
“Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nghị định nhấn mạnh đến hai chữ “đàm phán”. Có nghĩa rằng DN phát hành không được tự động giãn các khoản nợ, hay tự động chuyển thanh toán tiền mặt sang tài sản khác nếu không được trái chủ đồng ý. Quy định này nhằm giúp bảo vệ trái chủ, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ vốn yếu thế về sức mạnh đàm phán, cũng như không có nhiều kiến thức về tài sản, sự am hiểu thị trường” - ông Đức phân tích.
Để hoán đổi trái phiếu thành các tài sản khác như bất động sản thì cơ quan quản lý nhà nước cần giải quyết nhanh chóng các vướng mắc về pháp lý.
Khó chuyển biến nhanh
Theo quy định cũ, để mua trái phiếu DN, nhà đầu tư cá nhân phải nắm giữ danh mục chứng khoán không bao gồm giá trị vay ký quỹ tối thiểu 2 tỉ đồng trong 180 ngày. Tuy nhiên, Nghị định mới 08/2023 tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm DN.
Đánh giá về quy định tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế phân tích: Hiện có nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua trái phiếu DN phát hành riêng lẻ. Việc tạm thời ngưng tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ giúp tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư cá nhân dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới.
Tuy nhiên, các DN phát hành cũng đối diện với bài toán khó giải quyết là tính lãi suất ở mức nào mới thu hút được dòng tiền từ các nhà đầu tư này khi lãi suất ngân hàng đang cao và niềm tin trên thị trường trái phiếu DN đang suy giảm.
Còn theo chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc tại Việt Nam, việc lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm cũng chỉ tạo ra một phần thuận lợi cho DN phát hành nhưng mức độ tác động không đáng kể trên thị trường. Bởi ngay trong quy định của Nghị định 65, xếp hạng tín nhiệm chỉ áp dụng cho một số trường hợp phát hành có điều kiện như quy mô phát hành trên 500 tỉ đồng, giá trị phát hành lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu.
“Vì vậy, việc lùi này sẽ hỗ trợ DN phát hành không mất quá nhiều thời gian làm các thủ tục, vì nếu phát hành với giá trị lớn thì xếp hạng tín nhiệm lại tốt cho DN, do vấn đề lớn nhất trên thị trường là niềm tin. Vì tạo niềm tin tốt hơn, minh bạch hóa thông tin mới thu hút được nguồn vốn” - ông Long nhấn mạnh.•
Nhanh chóng giải quyết các vướng mắc về pháp lý
Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, phân tích: Nhìn về những diễn biến mới trên thị trường, tôi đánh giá thị trường trái phiếu DN sẽ theo hình chữ L, nghĩa là đi ngang một thời gian khoảng 12-18 tháng. Sau đó, khi mọi thứ đã tốt lên, kênh trái phiếu DN sẽ trở lại hoạt động bình thường, lúc này sẽ thu hút các nhà đầu tư hơn.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng dù các quy định mới giúp thị trường trái phiếu DN không bị tác động quá tiêu cực nhưng vẫn cần một giải pháp đồng bộ mới vận hành hiệu quả. Ví dụ, để hoán đổi trái phiếu thành các tài sản khác như bất động sản thì cơ quan quản lý nhà nước cần giải quyết nhanh chóng các vướng mắc về pháp lý trên thị trường này để các dự án đang dở dang nhanh chóng hoàn thiện.
Làm được điều này, DN bán được hàng, có dòng tiền để trả nợ. Nhà đầu tư nhìn thấy tính chất pháp lý rõ ràng mới dám thực hiện việc hoán đổi.