Những giải pháp mới để khơi thông trái phiếu doanh nghiệp

(PLO)- Bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư có ý nghĩa quyết định với sự phát triển và ổn định của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TS Bùi Duy Tùng, chuyên gia kinh tế Trường ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá: Những sửa đổi, điều chỉnh các quy định sắp tới của cơ quan quản lý nhà nước về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này, biến nó thành nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển của DN và nền kinh tế.

Để việc này thành hiện thực, ông Tùng cho rằng còn nhiều vấn đề cần phân tích thấu đáo và có hướng giải quyết hợp lý hơn...

Thị trường TPDN sụt giảm mạnh

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thị trường TPDN sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP được ban hành?

+ TS Bùi Duy Tùng: Ngày 16-9-2022 Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65). Những sửa đổi của Nghị định 65 nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường TPDN tại Việt Nam nhằm tiếp tục huy động nguồn vốn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ tính đến ngày 10-2-2023 chỉ đạt 110 tỉ đồng. Trong tháng 1-2023, các DN đã thực hiện mua lại 8,07 ngàn tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong năm 2023 sẽ có khoảng 285.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn.

Như vậy diễn biến thị trường TPDN sau Nghị định 65 cho thấy thanh khoản thị trường, khối lượng thanh khoản sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, các DN phát hành trái phiếu còn phải chịu áp lực rất lớn từ việc mua lại trái phiếu trước hạn và thanh toán trái phiếu đến hạn trong năm 2023.

. Lượng đáo hạn TPDN trong năm nay lên đến con số hàng trăm ngàn tỉ đồng, trong khi DN phát hành rất khó khăn...

+ Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhấn mạnh tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong quý I-2023 ước tính đạt 30,66 ngàn tỉ đồng, giảm hơn 40% so với quý IV-2022 và tăng hơn 246% so với cùng kỳ năm ngoái.

Áp lực ngày càng tăng của kỳ hạn trái phiếu trong quý II và III-2023 có khả năng gây khó khăn cho các tổ chức phát hành trong việc thanh toán trái phiếu do lãi suất cao, thị trường chứng khoán ảm đạm và các yếu tố kinh tế vĩ mô không thuận lợi khác.

Hiện Chính phủ đang nỗ lực thực hiện những biện pháp cụ thể để giải quyết những lo ngại liên quan đến việc trả nợ TPDN trong thời gian tới, như việc Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65.

Tôi cho rằng việc này hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại khi mà cả nhà đầu tư (NĐT) cá nhân lẫn các DN cần có thời gian để thích ứng với các sửa đổi của Nghị định 65.

Cần xây dựng thị trường thứ cấp cho TPDN trước khi chúng đáo hạn, mang lại tính thanh khoản và tính linh hoạt. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Cần xây dựng thị trường thứ cấp cho TPDN trước khi chúng đáo hạn, mang lại tính thanh khoản và tính linh hoạt. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Cần hàng loạt biện pháp đồng bộ

. Theo ông, lúc này cần làm gì để lấy lại niềm tin nhanh nhất cho NĐT trên thị trường TPDN?

+ Bảo vệ quyền lợi của các NĐT trái phiếu là vô cùng quan trọng để duy trì niềm tin của họ vào thị trường TPDN. Nếu các NĐT cảm thấy quyền lợi không được bảo vệ thì sẽ mất niềm tin vào thị trường.

Do vậy, các cơ quan chức năng phải đảm bảo rằng các tổ chức phát hành tuân thủ tất cả yêu cầu pháp lý liên quan đến việc chào bán trái phiếu. Chẳng hạn cung cấp thông tin chính xác về tình hình tài chính, kế hoạch kinh doanh của công ty và các thông tin liên quan khác. Thông tin này là cần thiết để các NĐT đưa ra quyết định khi đầu tư vào TPDN.

Các cơ quan chức năng cũng phải thực thi các quy định liên quan đến phát hành và kinh doanh trái phiếu để ngăn chặn các hoạt động gian lận có thể gây hại cho các NĐT trái phiếu. Các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng hình phạt đối với các tổ chức phát hành không thực hiện nghĩa vụ, như trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn hoặc cung cấp thông tin sai lệch, hoặc gây nhầm lẫn cho các NĐT.

Việc cần thiết nhất hiện nay là các cơ quan chức năng nên thiết lập một hệ thống để bảo vệ quyền lợi của NĐT trong trường hợp quyền lợi của họ bị vi phạm.

Ở Mỹ và châu Âu, việc bảo vệ NĐT là rất quan trọng đối với sự phát triển dài hạn của thị trường trái phiếu. Tại các thị trường này, các cơ quan chức năng đã thiết lập các quy định toàn diện và cơ chế giám sát để đảm bảo bảo vệ các NĐT trái phiếu.

Tóm lại, bảo vệ quyền lợi của NĐT trái phiếu có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và ổn định của thị trường TPDN.

. Theo ông, thị trường TPDN cần có thay đổi ra sao ở hiện tại và tương lai, thưa ông?

+ Để xây dựng một thị trường TPDN lành mạnh trong dài hạn, các cơ quan chức năng có thể tập trung vào những thay đổi trọng yếu sau đây.

Nâng cao tính minh bạch và công bố thông tin của thị trường. Tổ chức phát hành cần công bố thông tin tài chính chi tiết và kịp thời hơn cho thị trường để gia tăng niềm tin cho NĐT như Nghị định 65 đã quy định.

Xây dựng thị trường thứ cấp cho TPDN, cho phép các NĐT mua và bán trái phiếu trước khi chúng đáo hạn, mang lại tính thanh khoản và tính linh hoạt. Cơ sở hạ tầng thị trường để giao dịch TPDN cần được phát triển, bao gồm nền tảng giao dịch, hệ thống báo cáo giá và cơ quan xếp hạng tín dụng để hỗ trợ các quyết định đầu tư sáng suốt.

Cần xây dựng khung pháp lý và quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của NĐT, bao gồm quy định về nghĩa vụ của tổ chức phát hành, tiêu chuẩn đối với tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Đẩy mạnh chuẩn hóa và đơn giản hóa quy trình phát hành TPDN giúp các NĐT dễ tiếp cận hơn.

. Xin cám ơn ông.•

Những kỳ vọng khi sửa Nghị định 65

Nghị định 65 sẽ có tác động tích cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong dài hạn nhưng sẽ không xảy ra trong ngắn hạn. Vì vậy, việc nghị định này tạo ra ảnh hưởng không tốt đến thị trường TPDN trong thời gian vừa qua là điều có thể giải thích và đã được dự báo từ trước.

Thứ nhất, cung của thị trường TPDN có thể bị sụt giảm trong ngắn hạn vì các tổ chức phát hành cần thời gian để đáp ứng những yêu cầu của quy định mới. Điều này có thể gia tăng rủi ro tuần hoàn cho các DN có các khoản trái phiếu sắp đến hạn thanh toán.

Thứ hai, nghị định mới ban hành trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) đối thị trường TPDN đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những sự kiện liên quan trái phiếu Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Điều này làm gia tăng sự lo ngại của NĐT về tính bất ổn của thị thường. Theo đó, trong ngắn hạn, nhu cầu của NĐT đối với TPDN sụt giảm đáng kể, thậm chí có thể dẫn đến hiện tượng bán tháo, rút khỏi thị trường.

Mới đây, cơ quan chức năng có dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 theo hướng nới lỏng hoặc tạm hoãn một số điều kiện thực thi trong Nghị định 65 sẽ giúp giảm áp lực và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN phát hành trái phiếu. Điều này có thể làm hạn chế các tác động tiêu cực trong ngắn hạn của Nghị định 65 như đã đề cập ở trên.

Cụ thể, việc cho phép DN phát hành thay đổi kỳ hạn trái phiếu có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong việc cơ cấu lại danh mục trái phiếu đã phát hành, từ đó giảm nguy cơ vỡ nợ và giữ được sự tín nhiệm của NĐT. Việc đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn xác định NĐT chuyên nghiệp cũng sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến phía cầu của thị trường.

Để gia tăng ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu của NĐT cũng như tính thanh khoản của thị trường, Chính phủ có thể cân nhắc thêm những biện pháp hỗ trợ khác như ban hành các chính sách ưu đãi về thuế cho NĐT tham gia thị trường TPDN, triển khai và hoàn thiện hệ thống giao dịch TPDN tập trung.

Một điểm cần lưu ý là việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 cũng cần tính đến các tác động không mong muốn, ảnh hưởng xấu đến thị trường. TS NGUYỄN HOÀNG BÌNH, chuyên gia kinh tế Trường ĐH RMIT Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm