Mổ xẻ thất bại của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 26: Bán độ?

Trước SEA Games 26, nhìn vào thành phần U-23 Việt Nam không ít người lo lắng về chuyên môn nhưng lại thấy “yên tâm” vì đây là những cầu thủ trẻ chưa tì vết.

Những nỗi ám ảnh ở quá khứ

Sở dĩ nói là “yên tâm” vì trước giải, chính những quan chức của VFF trong những lần tâm sự cũng đã bộc bạch về nỗi lo bán độ cứ ám ảnh bóng đá Việt Nam. Rõ nhất là Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng bức xúc chuyện “mất vàng” ở SEA Games 25 tại Lào. Ông kể trước trận chung kết, ông gặp một cầu thủ rất tai tiếng trong làng bóng Việt Nam về chuyện đánh độ và mua bán độ. Anh này đi với một nhân vật xã hội đen và điều đấy làm ông hoài nghi về cách thua của đội U-23 Việt Nam trong trận chung kết. Ông Dũng cũng nhắc lại vụ mất cúp Tiger năm 1998 trong trận chung kết với Singapore mà ông đã nghe chính vị trọng tài điều khiển trận đấu đấy thắc mắc: “... Đó là một trận đấu khó hiểu của đội tuyển Việt Nam. Một thủ môn nghiệp dư cũng biết cách ứng xử là té ngã sau cú va chạm với Sasi Kuma thì bàn thắng sẽ bị từ chối nhưng tôi thấy thủ môn Việt Nam vẫn đứng sừng sững sau pha va chạm nên buộc ông phải công nhận bàn thắng”. Kể những chuyện đấy rồi ông Dũng kết luận: “Là nhà báo theo dõi bóng đá nhiều năm nay, các anh thừa hiểu trong làng bóng đá nghi ngờ thế nào về hai trận thua đau đớn đó. Chỉ tiếc là chúng tôi không có bằng chứng như SEA Games 23 năm 2005 cơ quan điều tra vào cuộc và tìm ra bằng chứng mà thôi”.

Mới đấy, sau thất bại một cách bạc nhược của đội U-23 Việt Nam, chính ông Dũng từng chia sẻ việc ông kêu gọi nhà tài trợ Eximbank thưởng cho đội U-23 Việt Nam nếu vô địch SEA Games 26 là một sai lầm khi ông cứ nghĩ rằng có tiền thưởng lớn như thế thì cầu thủ sẽ không tiêu cực…

Mổ xẻ thất bại của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 26: Bán độ? ảnh 1

Sự vô cảm của các đồng đội khi Văn Thắng ghi bàn 3-1 ở phút 90 sau cú sút hụt bóng chạm chân trụ của Thắng đổi hướng vào lưới. Ảnh: ĐẶNG TẤT

SEA Games 26 có bán độ?

Một nhóm CĐV trên sân Lebuk Bulus chiều 17-11 trong trận U-23 Việt Nam - U-23 Lào đã ngơ ngẩn nhìn nhau rồi liên tục nhấp nhỏm với thông tin cá cược được cập nhật từng phút. Đến phút cuối, khi cú ra chân phải của Văn Thắng bị hụt nhưng quả bóng lại trúng vào chân trụ và đổi hướng vào góc xa thành bàn thì không ít đồng đội của Thắng ôm đầu vì bàn thắng bất ngờ đấy (!?). Lặng đi một lúc rồi mới có những cái ôm chiếu lệ mừng bàn thắng trong khi trên khán đài thì có tiếng nói lớn: “Em đá bể nồi cơm của đồng đội rồi Thắng ơi!”.

Chợt giật thót mình với câu nói đầy ngụ ý khi ở đầu trận, nhà cái trên mạng ra kèo U-23 Việt Nam chấp hai trái, hai trái rưỡi và với cách biệt hai bàn, còn chơi tài, xỉu thì tài là 3,5 trái (tỉ số 3-1 được tính là bốn trái).

Trước đó, trận U-23 Việt Nam - U-23 Myanmar nhà cái cũng ra kèo rất “thơm” là U-23 Việt Nam chấp nửa trái (dù 10 ngày trước cũng trận này ở VFF Cup Việt Nam thắng đến 5-0) và kết thúc 90 phút thì kèo thơm “cháy”, trong đó có hàng loạt cơ hội mà các cầu thủ U-23 Việt Nam bỏ lỡ.

Việc Trọng Hoàng giành nhận quả 11 m khi đang dẫn 2-1 và sút ra ngoài rồi ngồi ôm chân cũng khiến nhiều người nghi ngờ. Nó cũng hệt với tình huống gần đấy khi Văn Quyết hãm ngực nhận đường chuyền của Âu Văn Hoàn chỉ còn có mỗi thủ môn Lào nhưng lại sút rất nhẹ vào người thủ môn này…

Cho đến khi Văn Thắng sút hụt và bóng vào chân trụ trôi vào lưới Lào thì nhiều cầu thủ ôm đầu khi tỉ số nhảy lên 3-1. Với tỉ số này thì rõ ràng là “kèo dưới” chết hết và nó trùng với câu nói: “Em đá bể nồi cơm của đồng đội rồi Thắng ơi!”.

Từ trận thắng Lào sang đến trận thua bạc nhược trước Myanmar với những người hiểu và rành về đường đi của quả bóng cũng là điều dễ hiểu.

Hôm qua, trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà chuyên môn than thở chung một điệp khúc: “Chúng tôi không có bằng chứng nên không dám khẳng định họ bán độ nhưng về chuyên môn mà đá như thế thì không thể chấp nhận được…”.

HLV Lê Thụy Hải: “Có những cầu thủ không đủ tư cách khoác áo U-23 quốc gia”

Tôi không nghĩ chuyện cầu thủ dám bán rẻ màu cờ sắc áo khi các em còn trẻ, tương lai đang ở phía trước nhưng quan điểm của tôi thì có vài cá nhân không đủ tư cách khoác áo U-23 Việt Nam…

HLV Đoàn Minh Xương: “Các cầu thủ kém ý thức về tinh thần màu cờ sắc áo…”

Theo tôi, đoạt HCĐ là phù hợp nhưng đá với Myanmar mà buông xuôi như thế thì rất buồn. Nếu mổ xẻ thì hãy mổ xẻ từ đầu tàu VFF và các CLB, bởi thất bại là hậu quả của cả quá trình. VFF muốn chống tiêu cực nhưng cách xử sự “thưởng tiền cho cầu thủ” thì rõ ràng là không mang tính giáo dục và làm hư cầu thủ.

HLV Nguyễn Thành Vinh: “Vai trò của sĩ quan an ninh theo đội đâu?”

Nếu nói rằng có tiêu cực thì cần phải có ý kiến từ sĩ quan an ninh đi theo đội bóng bởi nhiệm vụ của người này theo đội là để ngăn chặn hoặc bắt quả tang tiêu cực. Dưới góc nhìn chuyên môn, tôi cho rằng trong bốn đội vào bán kết thì U-23 Việt Nam là đội yếu nhất. Nhiều cầu thủ trụ khoác áo U-23 chỉ ngồi dự bị ở CLB…

Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh: “Tôi không hiểu tại sao họ lại thi đấu như thế…”

Phát biểu trong chương trình bình luận trên HTV sau trận U-23 Việt Nam - U-23 Lào: 3-1, ông Vinh ngán ngẩm: “Tôi không hiểu tại sao họ lại thi đấu một cách kém cỏi và khó hiểu đến thế. Về mặt chuyên môn thì những hành vi như thế mà có ở các cầu thủ U-23 quốc gia thì không thể chấp nhận được. Họ thi đấu không có tí trách nhiệm gì của một cầu thủ đại diện cho quốc gia…”.

P.TH - TPghi

NHÓM PHÓNG VIÊN THỂ THAO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm