Trong tuần, phóng sự điều tra về băng nhóm móc túi hành khách đi xe buýt ở khu vực Suối Tiên với các bài viết “Khu “tam giác vàng” của các băng nhóm móc túi”, “Ngang nhiên móc túi, đánh người…” của báo Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều bình luận của bạn đọc.
Móc túi chuyên nghiệp, sao chính quyền không biết?
Với hàng trăm clip mà PV Pháp Luật TP.HCM ghi nhận cho thấy băng nhóm này gồm hơn chục thành viên, tổ chức phối hợp chặt chẽ để “vặt” tài sản của hành khách đi ở khu vực Suối Tiên và sẵn sàng đánh nạn nhân nếu bị phát hiện.
Bạn MinhSang gửi đến báo chia sẻ nỗi khiếp sợ khi đi tuyến xe buýt này: “Em từng là nạn nhân của các băng nhóm móc túi ở khu vực này không chỉ một lần. Đã bị một lần và rất cảnh giác nhưng khi đi xe buýt em vẫn bị móc túi. Móc túi, trộm đồ ở khu này chuyên nghiệp lắm rồi. Sinh viên tụi em ai cũng khiếp sợ khi phải đi các tuyến xe buýt qua khu vực này”.
Bạn DoCuong bức xúc: “Sao giờ báo mới lên tiếng, trộm cướp ở khu vực này xảy ra lâu lắm rồi, diễn ra hằng ngày, hoạt động theo kiểu vô thiên, vô pháp. Dịp lễ 2-9 vừa qua, cả nhà tôi đi tham quan khu du lịch Suối Tiên, mới xuống xe buýt đã bị cả đám người bu vô níu kéo, xô đẩy. Do hai vợ chồng phải dẫn hai con nhỏ, xách đồ nên vô tình thành mồi ngon cho bọn trộm. Chưa tới 3 phút sau, khi kiểm tra thì bóp tiền của tôi và vợ tôi không cánh mà bay. Cả nhà phải một phen khốn khổ, hên còn cái điện thoại đang cầm trong tay để gọi người nhà đến giúp”.
“Nạn móc túi ở khu vực Suối Tiên nổi tiếng không chỉ ở TP.HCM. Người dân ở các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều biết và sợ vì ít nhiều người nhà, người quen của mình ở các địa phương khác tới đây đã bị móc túi. Tệ nạn móc túi ở trạm xe buýt Suối Tiên xảy ra nhan nhản, kéo dài như vậy, tại sao chính quyền cơ sở không biết?
Nếu báo không đăng những thông tin này thì sao?” - bạn TranTanThanh đặt câu hỏi.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Tráo sổ đỏ gì mà quá nhanh, quá nguy hiểm
Phóng sự truyền hình trên PLO “Lật tẩy một vụ tráo sổ đỏ để chiếm đoạt nhà” và các bài viết liên quan cũng nhận được nhiều ý kiến bình luận của bạn đọc.
Không chỉ dùng toàn giấy tờ giả, giờ kẻ gian còn áp dụng thủ đoạn mới tinh vi hơn là tráo sổ đỏ thật để mang nhà người khác đi bán, thế chấp ngân hàng. Chiêu lừa này đã khiến nhiều cơ quan công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, ngân hàng, chủ sở hữu nhà cùng những người mua ngay tình… lần lượt bị sập bẫy, thiệt hại khôn lường.
Bạn ChauNguyen bình luận: “Sao bây giờ lừa đảo tinh vi quá, người dân như chúng tôi làm sao biết hết để phòng ngừa. Thủ đoạn tráo sổ đỏ của bọn này sao mà quá nhanh và quá nguy hiểm, nhà đất của mình mà bị bán hồi nào không hay”.
Theo bạn Hoàng Thiên Vương, tình trạng lừa đảo qua sổ đỏ ngày càng lộng hành. Tôi nghĩ trước mắt Nhà nước nên thành lập một nơi để người dân giao dịch mua bán, chẳng hạn như trung tâm mua bán bất động sản do một cơ quan chuyên ngành của Nhà nước quản lý. Chủ nhà muốn bán nhà có thể cầm sổ đỏ thật đến đó đăng ký bán, người mua nếu cần xác thực, kiểm tra tính hợp pháp của tài sản mua thì trung tâm đứng ra làm có thu phí. Thời buổi bây giờ tấc đất tấc vàng nên bọn lừa đảo bất chấp thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản”.
“Nếu suy luận hợp lý thì có vẻ người được ủy quyền và người mua mới có thể là một. Bởi mua nhà một tài sản quá lớn mà không xem nhà, không đến liên hệ chủ nhà thật quá bất thường. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ mọi chuyện để sớm bắt được những người lừa đảo này”, đó là ý kiến của bạn đọc Hải Âu.
Vụ nước sông Đà nhiễm dầu: Chính quyền phản ứng quá chậm trễ Trong tuần, bài viết “Khởi tố vụ án nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải” nhận được nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc. Sự cố nước sạch nhiễm dầu thải tiếp tục làm người dân Hà Nội bức xúc bởi sự chậm trễ, lúng túng của chính quyền, cơ quan chức năng. Sự cố xảy ra xong, phải năm ngày sau cơ quan chức năng mới đưa ra khuyến cáo. Người dân cũng phải tự lo cứu lấy mình trước khi Công ty Nước sạch Hà Nội triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân. - Nguồn nước nhiễm bẩn lẽ ra đơn vị cấp nước phải phát hiện và ngưng cấp nước cho người dân. Đằng này nguồn nước nhiễm bẩn vẫn cấp cho người dân. Trách nhiệm ở đâu? TẤN ĐẠT - Qua vụ này mới thấy chính quyền, cơ quan chức năng phản ứng quá chậm trễ trước sự cố nghiêm trọng, liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân. MINH QUANG - Theo tôi, trách nhiệm đầu tiên phải là công ty cấp nước, sự cố liên quan sức khỏe người dân, công ty biết nhưng không minh bạch trong thông tin đến người dân. THANH TÙNG |