Mỗi năm mất 27.000 ha đất lúa

“Hiện nay chính quyền địa phương có để mất đất lúa hay lấy đất lúa làm việc khác thì cũng không bị làm sao cả, chưa có ai bị xử lý. Để giữ đất lúa, cần quy định nếu địa phương làm mất 1 ha, 2 ha, 3 ha… đất lúa trong quy hoạch thì sẽ bị xử lý như thế nào. Có như thế các cán bộ có thẩm quyền mới dè chừng trong việc lấy đất lúa làm việc khác” - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nêu ý kiến tại hội thảo lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 27-9.

Không thiết tha giữ đất lúa

Theo thống kê của Bộ TN&MT, đất trồng lúa đã giảm 270.000 ha trong 10 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do chuyển sang cho các mục đích phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bộ TN&MT cũng cho biết một số địa phương chưa sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa. Vẫn còn tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên trồng lúa, trong khi ở địa phương vẫn còn các loại đất khác.

“Nhiều địa phương không thiết tha giữ đất lúa. Lý do là việc chuyển đất trồng lúa sang đất đô thị hay khu công nghiệp (KCN) có hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông Đào Chung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), chỉ rõ.

Bộ TN&MT báo cáo hiện nay việc quy hoạch và phát triển các KCN còn dàn trải. Có địa phương tỉ lệ lấp đầy còn thấp (dưới 60%) nhưng vẫn đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khác. “Còn hơn một nửa các KCN trên cả nước chưa được lấp đầy. Diện tích đất dành cho sân golf không theo quy hoạch cũng rất lớn. Điều này gây nhiều lãng phí và bức xúc trong dân” - ông Lê Quốc Dung, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu thực tế.

Mỗi năm mất 27.000 ha đất lúa ảnh 1

Nhiều địa phương đang muốn chuyển đất trồng lúa sang đất đô thị hay KCN do có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: HOÀNG VÂN

Cho nông dân thấy lợi ích khi giữ đất lúa

Về giải pháp giữ đất lúa, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Chung Chính chỉ rõ: Mỗi địa phương cần xác định rõ vị trí, diện tích đất lúa nào phải giữ, sau đó cắm mốc trên thực địa và tuyên truyền cho người dân biết để giám sát. Cùng đó, cần có chính sách hỗ trợ cho người dân và địa phương trồng lúa như tăng cường đầu tư về hạ tầng xã hội, tăng phân bổ ngân sách cho địa phương, giảm thuế, trợ giá… Mặt khác, có thể chuyển đất lúa sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Đến khi cần đảm bảo an ninh lương thực thì vẫn có thể chuyển sang trồng lúa được.

“Phải làm sao để người dân, chính quyền địa phương thấy rằng khi trồng lúa thì thu nhập, đời sống của họ không kém hơn so với chuyển đất sang mục đích khác. Có như vậy mới khuyến khích được người dân, chính quyền gắn bó với nghề nông và giữ đất lúa. Còn nếu chỉ chăm chăm xử phạt mà không có biện pháp khuyến khích thì không thể giữ được đất lúa” - ông Chính nhấn mạnh.

GS ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT:

Phát hiện 27 sân golf ngoài quy hoạch

Theo quy hoạch thì cả nước có tới 90 sân golf. Trong đó chỉ có 24 sân hoạt động, 25 sân đang xây dựng, 13 sân mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 23 sân đã được chấp nhận chủ trương đầu tư. Có năm sân không khả thi bị đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT còn phát hiện 27 sân golf nằm ngoài quy hoạch đã được duyệt, trong đó có năm sân đang triển khai xây dựng, năm sân được cấp giấy chứng nhận đầu tư trước khi quy hoạch được duyệt.

Cả nước hiện có 22 sân bay đang hoạt động. Nhiều tỉnh chưa có sân bay hoặc đã có nhưng không còn hoạt động đều đang có dự án xây mới hoặc khôi phục sân bay cho tỉnh mình. Điều này dẫn đến khả năng sử dụng đất lãng phí cho xây dựng sân bay.

Chúng ta quá dễ dãi

Đất lúa là loại đất đặc biệt quan trọng nhưng quy hoạch trước đây lại cho phép giảm tới trên 40 vạn ha (thực tế giảm 27 vạn ha, còn dư gần 13 vạn ha). Điều này cho thấy chúng ta quy hoạch giảm đất lúa quá dễ dãi so với nhu cầu. Tôi đề nghị quy hoạch kỳ tới cần tính toán chặt chẽ hơn đối với loại đất này.

Ông LÊ TUYỂN CỬ,
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT),
đánh giá về quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001-2010

Bội thực khu công nghiệp

Một số địa phương do nôn nóng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư đã quy hoạch quá nhiều KCN không phù hợp với điều kiện hạ tầng, khả năng và nhu cầu phát triển thực tế. Điều này gây áp lực lên tài nguyên đất. Nhiều khu, cụm công nghiệp được xây dựng bám theo các trục giao thông lớn và nằm sát các khu dân cư, gây nên tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

(Báo cáo của Bộ TN&MT ngày 27-9)

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm