Mấy chục năm sinh sống tại TP.HCM, ông Nguyễn Hải (62 tuổi, nhà ở quận 3) cho biết gia đình ông vẫn rất vui khi được sống trong không khí như Tết miền Bắc với đầy đủ các đặc sản Hà Nội. Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, các doanh nghiệp kỳ công săn đặc sản khắp cả nước cung cấp cho thị trường Tết tại TP.HCM.
Bánh đậu xanh cá chép, niêu kho… tiền triệu
Chỉ còn khoảng tuần nữa là đến Tết, tại cửa hàng đặc sản Hà Nội ngay vòng xoay đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM luôn tấp nập khách vào mua hàng.
Nổi bật trên các gian hàng là bánh đậu xanh tận Hải Dương được đựng trong các hộp hình thỏi vàng, hình cá chép rất độc đáo. Các thỏi vàng bánh đậu xanh có giá 180.000-280.000 đồng/hộp tùy kích cỡ. Đáng chú ý, tại cửa hàng bán bánh đậu xanh để trong hộp hình cá chép vàng lớn cao gần nửa mét có giá hơn 4 triệu đồng, kế bên là bánh đậu xanh thỏi vàng được trang trí nhiều phụ kiện bắt mắt có giá tới 2,5 triệu đồng.
Chị Minh Ngọc (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết quê chị gốc Hải Dương, không chỉ ngày Tết mà lâu lâu chị cũng ghé cửa hàng mua bánh đậu xanh đúng chất từ Hải Dương cũng như nhiều đặc sản miền Bắc. “Ngày Tết không gì vui bằng khi đón giao thừa, cả nhà ăn bánh đậu xanh thơm ngọt tan trong miệng, nhâm nhi chén chè xanh” - chị Ngọc chia sẻ.
Một đặc sản khác tại các cửa hàng được nhiều khách không chỉ quê miền Bắc mà tại TP.HCM thích thú mua về thưởng thức ngày Tết là niêu cá kho làng Vũ Đại được lấy từ Hà Nam. Những niêu đất cá kho được xếp trong các tủ đông để bảo quản tốt nhất có giá 600.000 đồng/niêu nhỏ, 900.000 đồng/niêu trung, còn niêu đại có giá hơn 1,1 triệu đồng/niêu.
Anh Vĩnh, chủ cửa hàng bán đặc sản vùng miền trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, TP.HCM, cho biết năm nay có nhiều món ngon đặc sản vùng miền như giò chả từ làng nghề chả giò Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Nội) gồm giò bò, giò thủ, giò tai...
“Nghề làm giò chả ở làng Ước Lễ có cách đây gần 500 năm. Giò chả Ước Lễ không giống với các nơi khác, công đoạn làm giò chả cầu kỳ và công phu từ khâu chọn thịt heo, pha thịt đến kỹ thuật gói giò, luộc giò, rán chả. Thịt heo phải lấy loại thịt mông, còn tươi, nóng mới ngon...” - anh Vĩnh giới thiệu.
Nhiều đặc sản đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam đang được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: QH
Cá kho làng Vũ Đại được bán tại TP.HCM. Ảnh: QH
“Săn” thịt trâu gác bếp
Không chỉ tại các cửa hàng, siêu thị mà khắp các trang bán hàng online, thịt trâu gác bếp - một trong những món ăn đặc sản của miền núi Tây Bắc đang trở thành món ăn được nhiều người săn đón. Giá của loại thực phẩm này dao động 800.000-900.000 đồng/kg, cao gấp hơn hai lần giá thịt trâu tươi bình thường.
Lý giải về sự đắt đỏ này, một trang bán hàng trên mạng xã hội Facebook giải thích: Để làm được 1 kg thịt trâu gác bếp thành phẩm phải cần trung bình 3,2-3,5 kg thịt trâu tươi. Đồng thời khi làm món ăn cần rất nhiều công sức và nguyên liệu thịt phải chọn loại ngon nhất rồi tẩm ướp gia vị lấy từ thiên nhiên Tây Bắc như mắc kén, hạt dỗi, tiêu, ớt…
Mùa Tết năm nay, miến dong cũng là mặt hàng được săn đón. Trong đó nổi tiếng nhất vẫn là miến dong Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh. Chị Nguyễn Thị Hoài Trang, quản lý cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica, cho biết: “Để có được sản phẩm, cửa hàng phải đặt hàng từ đầu năm để có hàng bán trong năm và chuẩn bị cho mùa Tết. Vì là đặc sản nên miến dong Bình Liêu chỉ được xuất ra với số lượng ít ỏi, trong dịp này cứ đợt nào nhập về cửa hàng là khách mua hết đợt đó”.
Măng khô rừng Tánh Linh của vùng Bình Thuận lâu nay đã trở thành thương hiệu. Nếu như ngày thường loại măng này chỉ được bán với giá khoảng 200.000 đồng/kg thì dịp Tết nguyên đán do nhu cầu sử dụng cao mà giá tăng lên mức 280.000-400.000 đồng/kg.
Đặc sản Ấn Độ, Lào… cũng đổ về
Càng gần Tết đặc sản Campuchia, Ấn Độ, Lào... đổ bộ về TP.HCM ngày càng nhiều. Ông Trung Dũng (quận Tân Bình) tỏ ra thích thú khi mua đồ đặc sản Campuchia tại một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong. Theo đó vũ nữ chân dài, khô trâu, khô rắn, khô cá tra… bán tại đây giá dao động 300.000-600.000 đồng/kg. Mặt hàng đang thu hút nhiều người mua.
Đáng chú ý thịt bò Giàng Lào được nhiều người tiêu dùng tại TP.HCM lựa chọn ăn chơi dịp Tết. Anh Hoàng Hà, chủ một cửa hàng thực phẩm Tết, cho biết bò Giàng Lào là thịt bò Lào gác bếp được sản xuất theo phương pháp cổ truyền của người dân Lào.
“Thịt bò gác bếp của Lào có vị ngọt đặc trưng sau khi nướng, thơm ngon và đậm đà. Cửa hàng nhận được nhiều đơn đặt hàng loại đặc sản ngoại này trong ngày Tết. Thịt bò Giàng Lào có giá 950.000 đồng/kg” - anh Hà cho biết.
Bà Phạm Phương Thảo, Tổng Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica, thông tin Tết năm nay cửa hàng nhập khẩu loại bia hữu cơ nấu thủ công từ Bỉ. Bia được đóng các chai chuyên biệt, một thùng gồm 24 chai, giá hơn 4 triệu đồng/thùng.
Ngoài ra, hệ thống cửa hàng này còn bán các hộp quà gia vị làm quà tặng Tết nhập từ nhiều nước như dầu olive và trái olive muối hữu cơ từ Hy Lạp; các loại nước tương hữu cơ của Nhật Bản; muối hồng nổi tiếng Hymalaya…
Tép khô, giò bê… đắt khách Khảo sát một số cửa hàng tại TP.HCM cho thấy giò bê Nghệ An có mức giá khá cao 350.000-400.000 đồng/kg nhưng có khá nhiều người mua. Anh Phan Đình Cường, đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm Tứ Phương (Nghệ An) chuyên sản xuất nem chua và giò bê nổi tiếng tại tỉnh Nghệ An, cho hay để đủ số lượng hàng hóa cung cấp trong dịp Tết, phía công ty phải tăng công suất mới đủ cung ứng ra thị trường. Ngoài ra, các mặt hàng mang đậm dấu ấn miền Nam như tép khô của rừng ngập mặn Năm Căn (Cà Mau) hay nấm hương khô, nấm mèo được trồng tại tỉnh Lâm Đồng cũng có mặt trong khắp các siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm. Không chỉ để chế biến món ăn ngày Tết, tép khô hay nấm hương, nấm mèo còn được các bà nội trợ mua làm quà biếu bởi sự thơm ngon có tiếng. |