Mồng 9 cúng Trời, mồng 10 cúng đất

(PLO)- Nên chăng lễ cúng mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm gọi chung là ngày Vía Thổ địa – Thần tài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Lễ cúng mồng 10 tháng Giêng âm lịch là cúng Thần đất hay ngày vía Thần tài? Để giúp bạn đọc có cái nhìn văn hóa tín ngưỡng này,PLOxin giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng Khoa Văn hóa học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Ngày vía Thần đất mồng 10 tháng Giêng vừa qua trong dân gian và không ít báo chí và mạng xã hội gọi là ngày “Vía Thần tài”.

Vì sao lễ lệ vía Thần đất truyền thống trong văn hóa Việt Nam lại bị đổi thành lễ Vía Thần tài? Sự thay tên đổi họ này đã làm chúng ta đánh mất những gì và liệu có thể có một giải pháp nào phù hợp để giải quyết vấn đề này hay không?

Thờ phụng Thần đất

Thờ phụng Thần đất (dân gian gọi là Thổ địa/ông Địa) là một tín ngưỡng có truyền thống lâu đời trong văn hóa Việt Nam, có ghi chép và miêu tả trong Việt Điện U Linh TậpLĩnh Nam Chích Quái hồi thế kỷ 14. Tín ngưỡng Thần đất gắn liền với tục thờ Trời thành một thế cân bằng âm dương, thể hiện qua câu nói truyền miệng trong dân gian: Mồng 9 cúng Trời, mồng 10 cúng đất.

Khi người Việt vào Nam lập nghiệp từ đầu thế kỷ 17, họ đã mang theo tục thờ Thần đất làm hành trang. Mảnh đất mới phương Nam thuở ban đầu với biết bao thử thách, song bao lớp tiền dân đã nỗ lực vươn lên khai hoang lập ấp, tạo lập cơ đồ cho con cháu về sau. Họ đã biến bãi hoang thành vườn nhà, biến đầm lầy thành ruộng đồng màu mỡ. Không ít người đã hy sinh trước sự khắc nghiệt ấy.

Lễ vật cúng Thần tài - Thần đất mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Ảnh: LÊ THUẬN

Lễ vật cúng Thần tài - Thần đất mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Ảnh: LÊ THUẬN

Hơn bao giờ hết vai trò Thần đất lại trở nên rất quan trọng trong tâm thức lưu dân. Theo thời gian, tục thờ Thần đất gắn thêm vào ý nghĩa thờ phụng, tưởng nhớ và tạ ơn các tiền hiền khai khẩn – hậu hiền khai cơ. Ở điểm này, tục thờ thần đất và lễ cúng thần đất mồng 10 tháng Giêng âm lịch đã chứa đựng giá trị lịch sử - văn hóa hết sức sâu sắc, là thể hiện của lòng biết ơn và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Trong lễ lệ cúng Thần đất mồng 10 tháng Giêng, người Việt Nam Bộ cung kính dâng cúng các món ăn mang dấu ấn thời khai khẩn, đa phần là những món dân dã mà lúc sinh thời các bậc tiền nhân đã trải nghiệm qua. Trong đó phải kể đến cá lóc nướng trui, các loại rau vườn nhà luộc chín, tất cả chấm với muối ớt hay muối tiêu. Một số gia đình dọn thêm bộ Tam sên (trứng, thịt lợn, tôm).

Cá lóc nướng trui - lễ vật không thể thiếu trong ngày cúng Thần Tài - Thần đất. Ảnh: LÊ THUẬN

Cá lóc nướng trui - lễ vật không thể thiếu trong ngày cúng Thần Tài - Thần đất. Ảnh: LÊ THUẬN

Khi cúng, người dân thường tế chung Thổ địa và các bậc tiền – hậu hiền. Ngày nay, món cá lóc nướng trui hầu như không thể thiếu trong tục cúng việc lề nhớ ơn ông bà tổ tiên dòng họ và các bậc tiền nhân khai khẩn vùng Vàm Cỏ Đông – Vàm Cỏ Tây (Long An, Tây Ninh).

Thế nhưng, đến cuối thế kỷ 20 phong tục thờ cúng thần đất trong văn hóa Nam Bộ có thêm một yếu tố mới: Thần tài. Thần tài vốn dĩ cũng là Thần đất trong văn hóa Trung Hoa, từng được các hoàng đế Minh-Thanh sắc phong và gia phong thành một vị “Thiên quan”, phụng sự “Thiên mệnh” cho các vị hoàng đế trong việc thống nhất văn hóa và truyền bá quyền lực triều đình xuống từng thôn ấp, ngõ hẻm.

Thần tài được tích hợp vào tục thờ Ông Địa

Chính vì thế hình ảnh Thần tài hôm nay được khắc họa trong hình dáng một vị phẩm quan thời Minh có áo mão cân đai đầy đủ, dáng ngồi nghiêm trang. Trong bộ phim Tây Du Ký (1986, chuyển tác từ tác phẩm của Ngô Thừa Ân) của Trung Quốc, Tôn Ngộ Không nhiều lần diện kiến Thổ địa, nhiều lần được Thổ địa nhắc rằng ông vâng mệnh Ngọc hoàng Thượng đế để cai quản đất đai và dân chúng. Thời Minh-Thanh, các vùng Quảng Đông, Phúc Kiến phát triển đô thị và kinh tế hàng hải, nhiều danh gia vọng tộc giàu phất lên nhờ buôn bán chứ không phải từ sản xuất nông nghiệp, Chính vì thế, hình ảnh Thần đất trong tâm thức cộng đồng đã chuyển dịch hẳn thành Thần tài (trong khi vẫn tiếp tục giữ tục thờ Thần đất).

Lễ phẩm cúng Thần tài đã thay đổi mặc dù ngày lễ mồng 10 tháng Giêng vẫn giữ nguyên như lệ vía Thổ thần trước đó. Tín ngưỡng này theo bước chân lưu dân người Hoa đến Việt Nam, bén rễ đất lành ở các đô thị lớn, tiêu biểu là Thành phố Hồ Chí Minh. Thần tài đã được người Việt và người Hoa tích hợp vào tục thờ Ông Địa sẵn có của người Việt, được phối thờ chung trong một tran thờ đặt trên đất theo thứ tự chủ nhà (ông Địa) ngồi bên trái của chính mình, khách (Thần tài) ngồi bên phải ông Địa (lấy mắt ông Địa làm trung tâm).

Hình ảnh phối thờ Ông Địa – Thần tài. Ảnh: TRƯƠNG CÔNG

Hình ảnh phối thờ Ông Địa – Thần tài. Ảnh: TRƯƠNG CÔNG

Hình ảnh phối thờ Ông Địa – Thần tài này dần dà lan tỏa khắp các vùng thành thị và nông thôn Nam Bộ trước khi truyền bá đến các vùng khác trên cả nước. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường từ sau cải cách mở cửa, kinh tế tư nhân, đặc biệt là các ngành hàng buôn bán, đã thúc đẩy vai trò Thần tài vươn lên, có phần lấn át Thần đất trong tâm thức một số người.

Lễ cúng Thần đất mồng 10 tháng Giêng dần dà cũng bị thay bằng lễ “vía Thần tài” (qua truyền miệng, qua mạng xã hội và một số báo chí). Đương nhiên lễ phẩm cũng thay đổi theo, nào là bánh ngọt, xôi chè, heo quay, gà-vịt quay các kiểu.

Thậm chí những năm gần đây nhiều người kéo nhau mua vàng ròng trong ngày mồng 10 tháng Giêng, chỉ giỏi làm giàu cho thiên hạ mà thôi. May mắn là tục cúng cá lóc nướng trui có lịch sử mấy trăm năm qua còn được gìn giữ, song chẳng mấy ai hiểu được ý nghĩa lịch sử - văn hóa của nó! Buồn thay.

Giao lưu văn hóa và biến đổi văn hóa trong xã hội đương đại là tất yếu, song vận mệnh văn hóa quốc gia dân tộc thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải dùng trí lực của mình để ứng xử và chủ động thâu nạp, lên khuôn và chuyển hóa tinh hoa mới vào cuộc sống, sao cho vừa hợp với thuần phong mỹ tục vừa mang hơi thở thời đại.

Trong mọi trường hợp, Thần đất (ông Địa, trong đó có cả hỉnh ảnh và công lao các bậc tiền nhân mở đất) là “chủ nhà”, vẫn phải giữ vai trò nòng cốt trong tín ngưỡng và trong lễ cúng mồng 10 tháng Giêng; Thần tài với vị trí là “khách” (từ văn hoá Trung Hoa) đóng vai trò bổ trợ. Nên chăng lễ cúng mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm gọi chung là ngày Vía Thổ địa – Thần tài, trong đó lễ phẩm phải ưu tiên cho lệ cúng Thổ địa có từ truyền thống (cá lóc nướng trui, bộ Tam sên, trái cây bản địa) và có thể bổ sung các lễ phẩm khác ứng với Thần tài.

Truyền thống làm nên linh hồn và nhân cách văn hóa một dân tộc, còn hơi thở thời đại làm chất xúc tác và kênh dẫn giúp phát huy các giá trị văn hóa ra ngoài xã hội và thúc đẩy tích hợp tinh hoa mới làm giàu truyền thống. Lễ cúng mồng 10 tháng Giêng trước hay sau đều là lễ cúng Thần đất; Thần tài được phái sinh từ Thần đất và được tiếp nhận từ văn hóa đồng bào người Hoa nên chỉ giữ vai trò bổ trợ.

Thế hệ trẻ cần hiểu biết lịch sử văn hóa ngay trên mảnh đất quê hương mình. Việc học tập qua sách vở và bài giảng trên giảng đường không thôi là chưa đủ; các em có quyền được học từ cuộc sống. Vậy nên cả xã hội chúng ta cùng đồng lòng gìn giữ văn hóa và giáo dục thế hệ trẻ. Trường học, các các quan thông tấn báo chí, truyền hình và toàn thể xã hội cần phải chung tay góp sức để gọt giũa văn hóa, để chúng ta và con cháu mai sau tiếp nối, gìn giữ và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc.

Già Rơ Châm Hyai, làng Mít Jép, xã Ia O (phải), đan áo cho chiêng. Ảnh: TD

Độc lạ đan áo cho chiêng

(PLO)- Bà con người Jrai ở xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) tâm niệm rằng chiêng là hồn cốt dân tộc, là nơi thần trú ngụ nên cần nâng niu, đan áo che chở cho chiêng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm