Trong báo tài chính được kiểm toán mới công bố, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, năm 2020, doanh thu đạt gần 24 ngàn tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD.
Con số này tăng rất mạnh so với năm 2019 chỉ đạt 18,6 ngàn tỉ đồng. Việc doanh thu tăng mạnh cũng không có gì khó hiểu khi giá vàng trong năm 2020 tăng khá cao, có thời điểm lên hơn 62 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, Công ty SJC lại có lãi ròng thấp, chỉ đạt 55,7 tỉ đồng. Mức lãi này chỉ nhỉnh hơn năm 2019 là hơn 3 tỉ đồng.
Nhìn trên báo cáo tài chính cho thấy, mức lãi của đại gia vàng này thấp do giá vốn hàng bán xấp xỉ doanh thu, dẫn đến lãi gộp chỉ còn 258 tỉ đồng trong khi công ty này lại có chi phí hoạt động rất cao khiến mức lãi sau thuế thấp.
Theo một chuyên gia kinh tế, Công ty SJC sở hữu thương hiệu vàng miếng độc quyền, đồng thời là đơn vị dẫn dắt giá thị trường. Bằng chứng là thời gian gần đây giá vàng của công ty này luôn cao hơn thế giới bình quân 6-7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, công ty lãi thấp có thể là do hiệu quả hoạt động kinh doanh không tối ưu.
Nếu so sánh SJC với một ông trùm vàng khác trên thị trường là Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) thì thấy sự cách biệt lớn trong hoạt động kinh doanh.
Theo đó, PNJ đạt mức lãi cao kỷ lục trong quý 1-2021 là 539 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ là 407 tỉ đồng. Còn trong năm 2020, mức lãi của PNJ đạt 1.000 tỉ đồng. Việc PNJ lãi cao nhờ vào triển khai mô hình kinh doanh mới, đầu tư vào công nghệ, tập trung mạnh vào chế tác trang sức,...