“Tại buổi họp báo quý III-2018 ngày 28-9, đại diện Bộ GTVT khẳng định cuối tháng 7 đã gửi văn bản trả lời tôi về những tố cáo của các phi công. đến nay tôi chưa nhận được bất kỳ trả lời nào từ Bộ GTVT và Vietnam Airlines”. Sáng 2-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (QH), cho biết như trên.
Chưa phát hiện tiêu cực?
Từ năm 2016, các phi công liên tục gửi thư tố cáo tới nhiều cơ quan, đơn vị phản ánh những nghi vấn tiêu cực trong đào tạo phi công tại Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA). Sau khi tiếp nhận đơn thư, tại kỳ họp thứ 5 QH khóa XIV (tháng 5-2018), ông Cương đã chuyển những bức thư đó đến lãnh đạo Bộ GTVT. như đã nói ở trên, tới nay ông chưa nhận được câu trả lời.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 28-9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định Bộ đã có văn bản trả lời cho đại biểu QH. Theo ông Đông, hiện mỗi hãng bay đều có quy trình đào tạo, tuyển dụng riêng. Việc tuyển dụng phi công hoàn toàn do doanh nghiệp làm, giống như tuyển lao động phổ thông (dù đây là lao động bậc cao) và Bộ GTVT không can thiệp.
“Báo cáo của Vietnam Airlines cho hay chưa phát hiện tiêu cực trong quá trình tuyển dụng phi công. nếu phi công có bằng chứng về tiêu cực, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm” - ông Đông nhấn mạnh.
Nhiều nội dung tố cáo mới
Về nghi vấn trong tuyển dụng phi công, báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trong hai bài báo “VNA phải báo cáo về nghi ngờ tiêu cực trong đào tạo phi công” (ngày 30-7) và “Chờ Vietnam Airlines trả lời tố giác của các phi công” (ngày 1-8). Để có thông tin nhiều chiều, ngày 30-7, Pháp Luật TP.HCM đã gửi chín câu hỏi đề nghị lãnh đạo VNA trả lời các nội dung liên quan như tiêu chí lựa chọn học viên, có hay không hiện tượng ra giá tiền cho một lần phỏng vấn học viên, tiêu cực trong đào tạo… tới nay sau nhiều lần liên hệ với đại diện VNA, chúng tôi vẫn chỉ nhận được lời hứa “sẽ trả lời”.
Trong khi VNA chưa trả lời thỏa đáng thì tới cuối tháng 8-2018, các phi công lại tiếp tục gửi đơn tố cáo tới nhiều nơi. Ngoài những nội dung đã tố cáo trước đó, lần này các phi công cho rằng vấn đề tiêu cực trong đào tạo phi công tại VNA đã xuất hiện ba năm nay và dần trở nên công khai, có tính tổ chức.
Điển hình, học viên đăng ký vào VNA phải chờ đợi phỏng vấn rất lâu, nhiều người phải chờ 1-2 năm mới được phỏng vấn dù hãng cho rằng đang thiếu phi công. có một số phi công lại được phỏng vấn sớm bất thường, thậm chí biết trước câu hỏi phỏng vấn… “Đặc biệt, các phi công có nhu cầu nâng cấp lên các máy bay thân rộng với đường bay châu Âu, lương cao hơn đều bị ép phải “bôi trơn”. Những ai không chịu “bôi trơn” thì nghiễm nhiên trượt phỏng vấn” - trong đơn viết.
Đáng chú ý, đơn tố cáo lần này cho hay có nhiều phi công kém chất lượng lọt vào VNA thông qua công ty môi giới phi công. “Mỗi phi công như vậy, phí bôi trơn là 75.000 và 150.000 USD” - đơn tố cáo viết.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một phi công Vietnam Airlines (xin giấu tên) khẳng định: “Chúng tôi cam kết những sự việc tiêu cực nêu trên là có thật và chúng tôi có một số bằng chứng cụ thể, sẵn sàng đứng ra làm việc với cơ quan điều tra khi có yêu cầu”.