VNA phải báo cáo về nghi ngờ tiêu cực trong đào tạo phi công

Trước đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đã tiếp xúc với một số phi công của VNA và nhận thấy một số vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Theo ông Cương, từ năm 2013 VNA thực hiện chính sách xã hội hóa đào tạo phi công. Tuy nhiên, việc này dẫn đến nhiều bất cập, cùng với những chính sách khi nghỉ việc khiến phi công bức xúc.

Cụ thể, ông Cương cho rằng trước đây phi công học ở Pháp, Úc, việc tuyển chọn đầu vào rất khắt khe. Nhưng kể từ khi xã hội hóa, việc tuyển chọn chỉ mang tính hình thức, gần như bất kỳ đối tượng nào đủ tiền đóng học là có thể đi học.

“Gần đây nhất, tháng 4-2018, có đơn tố cáo của một học viên phi công về một số tiêu cực xảy ra trong quá trình huấn luyện” - ông Nguyễn Sỹ Cương nêu và cho biết đang có tồn tại trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn, chuyển loại phi công. Thậm chí, hiện tượng ra giá 20.000-25.000 USD cho một lần phỏng vấn ngày càng trắng trợn (phỏng vấn học viên từ Mỹ về để chuyển loại máy bay A321; phỏng vấn để chuyển loại từ lái phụ A321 sang lái phụ loại máy bay khác như A350 hoặc B787, phỏng vấn để nâng cấp lái phụ trở thành cơ trưởng...).

Đa số phi công thuộc diện phỏng vấn này sẽ nhận được điện thoại trực tiếp, đề cập tới việc nộp tiền. Sự việc trên không thể do một cá nhân mà phải có tổ chức. Một số vấn đề khác cũng được ông Cương nêu trong bản chất vấn, trong đó có vấn đề liên quan đến thời hạn khi nghỉ việc và việc bồi hoàn chi phí đào tạo đối với phi công…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm