'Một số vụ việc manh động, có bàn tay hỗ trợ tinh vi'

Sáng 9-6, các ĐBQH thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Góp ý vào đánh giá bổ sung trên, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) làm rõ thêm vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vụ việc khiếu kiện đông người. Theo ĐB, đây là một thách thức lớn trong quá trình phát triển của nước ta và là vấn đề cử tri hết sức quan tâm. Với cá nhân ĐB, đây là vấn đề hết sức trăn trở.

ĐB Ngọ Duy Hiểu nhận định, trong quá trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt quan điểm ổn định để phát triển và phát triển để ổn định. Nhiều năm gần đây, Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, UBTW MTTQ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, cùng với chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ; tình hình đơn thư khiếu nại tố cáo và tố cáo đông người đang đe dọa an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hiệu lực hiệu quả của chính quyền các cấp.

Trên cơ sở phạm vi cả nước, tình hình khiếu nại tố cáo và khiếu kiện đông người đang diễn ra phức tạp, có lúc có nơi diễn ra gay gắt, nhất là ở những địa phương, địa bàn có nhiều công trình dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng với quy mô lớn. Số vụ việc khiếu kiện đông người kéo dài vượt cấp chưa có chiều hướng giảm.

“Một số vụ việc xuất hiện yếu tố manh động, có bàn tay hỗ trợ và can thiệp rất tinh vi, nguy hiểm từ bên ngoài. Nhiều vụ việc người dân bị lôi kéo vào các nhóm tụ tập, khiếu kiện đông người mà không có mục đích, lý do gì chính đáng, chỉ thuần túy là a dua, làm theo, hiệu ứng đám đông hay vì lợi ích vật chất nhỏ, được trả công cho sự tham gia hoạt động này” - ĐB thuộc đoàn Hà Nội nói.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) phát biểu tại hội trường QH sáng 9-6.

Về nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, ĐB Hiểu nêu ra 8 nguyên nhân. Thứ nhất, việc thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ công chức không đúng, không đầy đủ, thiếu thuyết phục; còn thiếu công khai, khách quan, khách quan, minh bạch hay các hành vi quan liêu, sách nhiễu, tiêu cực gây bức xúc cho nhân dân.

Thứ hai, nhận thức của nhiều người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cơ sở về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa đúng, chưa đầy đủ, có lúc có nơi chưa coi trọng, còn khoán trắng cho cơ quan thanh tra hoặc bộ phận tiếp công dân

Thứ ba, nhiều địa phương cấp ngành chưa thực hiện nghiêm Luật tiếp công dân. Người đứng đầu chính quyền ở nhiều nơi chưa tiếp dân định kỳ mỗi tháng một lần theo quy định. Có cử tri phản ánh, cơ nơi 6 tháng liền chủ tịch UBND cấp huyện không tiếp dân theo quy định.

Thứ tư, khi phát sinh khiếu kiện, tố cáo tại cơ sở thì công tác thẩm tra, xác minh của cơ quan chức năng còn sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, gây bức xúc cho công dân, dẫn đến tiếp tố, tiếp khiếu đến nhiều nơi.

Thứ năm, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết khiếu nại tố cáo ở nhiều địa phương chưa tốt. Còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất. Có nơi cơ quan chức năng chưa bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân mà tìm mọi cách bảo vệ sự an toàn cho cán bộ sai phạm trong giải quyết đơn thư. Việc xử lý cán bộ sai phạm trong giải quyết đơn thư còn chưa nghiêm. Có địa phương có phó chủ tịch UBND cấp quận, huyện bị kiểm điểm rút kinh nghiệm hàng chục lần trong việc sai phạm tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo song vẫn tại vị.

Thứ sáu, việc tuyên truyền vận động thuyết phục người khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải ở cơ sở chưa được làm tốt nên còn nhiều vụ việc đơn giản vẫn phát sinh khiếu kiện, tố cáo kéo dài vượt cấp.

Thứ bảy, hệ thống chính sách pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, xa thực tế; nhiều quy định chứa đựng những nội dung thiếu công bằng, bảo vệ làm lợi cho người chây ì, chống luật còn người gương mẫu, có ý thức chấp hành pháp luật cao lại không được bảo vệ, hưởng lợi từ chính sách.

Thứ tám, một bộ phận nhân dân không hiểu biết đầy đủ về pháp luật, chính sách, một số khác cố tình không hiểu, bị các thế lực thù địch hoặc không thiện chí kích động tham gia khiếu kiện đông người gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại các địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới