Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) Việt Nam vừa hoàn thành báo cáo tổng hợp việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
|
Một buổi góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại MTTQ Việt Nam hồi đầu tháng 3-2023. Ảnh: MTTQ |
Theo đó, báo cáo khẳng định việc tổ chức lấy kiến Nhân dân rộng rãi lần này đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Việc này cũng góp phần tạo sự thống nhất và đồng thuận trong Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - theo Hiến pháp - MTTQ Việt Nam cũng phản ánh một số ý kiến trong Nhân dân cho rằng việc sửa đổi Luật lần này cần thêm thời gian, việc lấy ý kiến Nhân dân là cần thiết nhưng công tác tổ chức còn gấp gáp, không tránh khỏi đâu đó sẽ hình thức, thiếu thực chất.
Và vì vậy số ý kiến này "đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét có nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, có thể lùi thời hạn thông qua để có thời gian nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo”
Các ý kiến này góp ý rằng dù bản dự thảo đã cơ bản thể chế hóa những chính sách lớn tại Nghị quyết 18-NQ/TW tháng 6-2022 của BCH Trung ương về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", nhưng vẫn còn một số nội dung chưa thật sự phù hợp hoặc thể chế chưa đầy đủ.
“Thậm chí nhiều điều luật trong dự thảo không mang tính quy phạm mà diễn đạt lại nội dung của Nghị quyết, chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm của từng chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai”. Đó là các điều luật quy định về việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị; việc bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; về tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất và quy định đánh thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và bảo vệ lợi ích người sử dụng đất.
Đi vào chi tiết kỹ thuật lập pháp, báo cáo tổng hợp nhóm ý kiến này cho rằng còn nhiều nội dung cần tiếp tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc. Chẳng hạn, gọi là Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, nhưng dự thảo có tới 50 điều ủy quyền cho Chính phủ và Bộ TN&MT quy định chi tiết. Thậm chí là giao Chính phủ quy định cả những điều hạn chế quyền con người, quyền công dân mà Điều 14 Hiến pháp bắt buộc phải quy định bằng luật.
Việc sử dụng các cụm từ, thuật ngữ trong dự thảo đang được thực hiện không nhất quán. Cần phân định các khái niệm “định giá đất”, “định giá quyền sử dụng đất”; “giá đất”,“giá quyền sử dụng đất”; “chuyển nhượng đất”, “chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “thu hồi đất”, “thu hồi quyền sử dụng đất” - theo báo cáo tổng hợp việc lấy ý kiến nhân dân từ góc nhìn của MTTQ Việt Nam.
Hơn 8,3 triệu ý kiến gửi đến các kênh MTTQ Việt Nam
Đến ngày 18-3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp báo cáo, ý kiến góp ý từ 12 hội nghị lấy ý kiến ở cấp trung ương; tập hợp báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 25 tổ chức thành viên và nhiều ý kiến góp ý trực tiếp từ các tổ chức, cá nhân thông qua các hình thức lấy ý kiến của MTTQ Việt Nam.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1,3 triệu lượt góp ý kiến.
Tổng cộng, MTTQ Việt Nam các cấp đã nhận được 8,36 triệu ý kiến góp ý cụ thể vào từng nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).