Mũ hay hung khí?

Mũ hay hung khí? ảnh 1

Theo hồ sơ, Trần Thị Thảo Trang và chị Sinh có mâu thuẫn với nhau. Sáng 4-7-2010, trong lúc đi chợ, thấy chị Sinh đang mua rau, Trang đã đến giật mũ bảo hiểm của chị Sinh rồi đánh nhiều cái vào đầu, mặt khiến chị Sinh bị thương tật 12%.

Vừa lãnh ánvừa bồi thường

Sau đó, Trang bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích. Tại phiên xử cuối năm 2010, công tố viên đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 104 BLHS và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ xử phạt bị cáo từ chín đến 12 tháng tù.

TAND huyện Đồng Xuân (Phú Yên) nhận định cáo trạng truy tố bị cáo Trang về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, VKS truy tố bị cáo theo khoản 1 Điều 104 (bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm) là chưa phù hợp. Theo Nghị quyết số 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, mũ bảo hiểm là vật cứng, chắc thuộc hung khí nguy hiểm. Lẽ ra VKS phải truy tố bị cáo theo khoản 2 Điều 104 BLHS (hình phạt từ hai đến bảy năm tù). HĐXX xét thấy thương tật của người bị hại là 12%, trong đó bị cáo dùng mũ bảo hiểm đánh gây thương tật 10%, còn 2% do dùng tay, chân đánh nên vẫn tiến hành xét xử bị cáo theo khoản 1 nhưng cần có mức án nghiêm khắc hơn mức công tố viên đề nghị.

Cuối cùng, tòa tuyên phạt bị cáo Trang 18 tháng tù, buộc bồi thường cho người bị hại hơn 14,4 triệu đồng.

Tranh cãi về mũ bảo hiểm

Mũ bảo hiểm có phải là hung khí nguy hiểm hay không đã có nhiều quan điểm khác nhau. Một luồng quan điểm đồng tình với tòa cho rằng đó là hung khí nguy hiểm và lẽ ra viện phải truy tố bị cáo theo khoản 2. Tuy nhiên, theo quan điểm này, khi nghiên cứu hồ sơ, thấy có sai sót trên, tòa nên trả về để phía viện xem xét truy tố bị cáo theo hướng trên. Làm như vậy, HĐXX sẽ không bị vướng về giới hạn xét xử...

Còn luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng Nghị quyết 02 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ quy định một cách chung chung: hung khí nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.

Hung khí nguy hiểm có thể là: về công cụ, dụng cụ, ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn... Về vật mà người phạm tội chế tạo ra, ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ... Về vật có sẵn trong tự nhiên, ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...

Thế nên bị cáo Trang dùng mũ bảo hiểm đánh bị hại chưa thể xác định được có phải là dùng hung khí nguy hiểm hay không. Bởi trong các ví dụ mà nghị quyết nêu ra, mũ bảo hiểm không thuộc loại nào trong số đó.

Dù trong nghị quyết không liệt kê mũ bảo hiểm là hung khí nguy hiểm nhưng theo tôi vẫn có thể coi đó là hung khí nguy hiểm. Bởi dùng nó đánh vào những chỗ trọng yếu như mặt, đầu… vẫn có thể gây ra những chấn thương trầm trọng. Còn nhớ trước đây, báo từng phản ánh một vụ án gây tranh cãi về cái tăng phô điện có phải là hung khí nguy hiểm hay không khi một bị cáo cầm nó đánh một người gây thương tật 14%. Một quan điểm cho rằng không phải là hung khí nguy hiểm. Quan điểm khác thì cho rằng nó là hung khí nguy hiểm. Cuối cùng, TAND tỉnh Phú Yên cũng xác định theo quan điểm này vì cái tăng phô có khả năng sát thương cao, gây nguy hại đến tính mạng.

Luật sư PHAN THANH SƠN, Đoàn Luật sư tỉnh Dăk Lăk

SÔNG BA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm