Đừng để hóa đơn, chứng từ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp - Bài 1

Mua lọ thuốc 2.000 đồng phải có… mã số định danh

(PLO)- “Khi chúng tôi tiếp xúc với các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các lớp đào tạo, họ cho biết vướng mắc về hóa đơn, chứng từ là nhiều nhất” - bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ. Có sáu nhóm vấn đề lớn ban soạn thảo lấy ý kiến để như tờ trình nói là nhằm đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn sử dụng hóa đơn điện tử, minh bạch hóa quy định sử dụng hóa đơn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhưng ý kiến thực tiễn từ các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng nếu áp dụng thì nhiều nội dung tại dự thảo Nghị định 123/2020 có thể gây rắc rối, khó khăn và phát sinh thêm nhiều chi phí cho nhà kinh doanh.

Một trong sáu vấn đề quan trọng trong lần sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định 123/2020 lần này là nội dung về hóa đơn. Theo đó, ban soạn thảo đề nghị bổ sung nội dung “trên hóa đơn phải có mã số định danh người mua”. Nhiều nhà kinh doanh bày tỏ băn khoăn về nội dung này vì lo ngại tính bảo mật của khách hàng cũng như gây ra rủi ro cho nhà kinh doanh.

Phải ghi mã số định danh lên hóa đơn

Chị Bích Thủy, chủ một quầy thuốc bán lẻ trực thuộc một công ty tại TP.HCM, chia sẻ: “Tôi thấy trong dự thảo có nội dung trên hóa đơn phải có mã số định danh hoặc hộ chiếu của người mua hàng hóa. Tôi thấy quy định này có thể gây khó khăn trong quá trình bán hàng, vì đa số người tiêu dùng khi đi mua hàng không nhớ mã số định danh. Hơn nữa, không lẽ khách hàng mua lọ thuốc muối giá 2.000 đồng mà yêu cầu họ phải cung cấp tên tuổi, địa chỉ, mã số định danh...”.

mua- hang- sieu- thi.jpg
Người tiêu dùng lo ngại rằng khi đi mua hàng ở siêu thị mà phải cung cấp mã số định danh cá nhân thì sẽ lộ thông tin cá nhân. Ảnh: TÚ UYÊN

Theo chị Thủy, quy định này có thể ảnh hưởng lớn đến các nhà thuốc kinh doanh theo mô hình công ty, vì đa số các nhà thuốc bán lẻ hiện nay đều là hộ kinh doanh. Do đó, cơ quan quản lý cần xem xét không nên áp dụng quy định trên.

Vướng mắc về hóa đơn nhiều nhất

Khi chúng tôi tiếp xúc với các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các lớp đào tạo, họ cho biết vướng mắc về hóa đơn, chứng từ là nhiều nhất. Có những buổi, chúng tôi hướng dẫn chỉ một buổi thôi nhưng có đến 100 câu hỏi vướng mắc liên quan đến hóa đơn, chứng từ chúng tôi phải trả lời.

NGUYỄN THỊ CÚC, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Bà Phạm Thùy Linh, đại diện một công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cho rằng: Nên coi mã số định danh là nội dung không bắt buộc trong hóa đơn. Các lý do bà Linh đưa ra gồm: Không có cơ sở để xác định thông tin về mã số định danh của người mua cung cấp có hợp lệ theo quy định pháp luật hay không. “Người bán không có cơ chế xác định về con số nào đó mà người mua cung cấp là đúng hay sai” - bà Linh lập luận.

Hơn nữa, theo bà Linh, dân số Việt Nam hiện chưa hoàn thành 100% về việc chuyển đổi mã số định danh. Vì vậy, khi yêu cầu phải có mã số định danh trên hóa đơn sẽ tạo rào cản, đặc biệt là đối với các nhà bán lẻ hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng không có yêu cầu xuất hóa đơn.

“Tính bảo mật thông tin cũng là một vấn đề. Hiện nay cá nhân bị đánh cắp thông tin xảy ra khá nhiều, nên việc yêu cầu cá nhân mua hàng phải cung cấp mã số định danh để xuất hóa đơn sẽ trở thành một rào cản” - bà Linh cảnh báo.

Bà Trần Thị Hải Vân, đại diện Tập đoàn Massan, cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét lại mục đích của việc ghi mã số định danh trên hóa đơn. Vì theo bà Vân, quy định này sẽ là một “điểm chạm” nếu người mua muốn xuất hóa đơn nhưng không cung cấp được thông tin này. Đồng thời, người bán cũng không có cơ sở để xác định xem là mã số định danh đó có đúng quy định của pháp luật hay không. “Đây là điểm vướng trong thực hiện” - bà Vân nói.

Sẽ nghiên cứu thêm để điều chỉnh

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Tổng cục Thuế, đại diện ban soạn thảo, nói mục đích đưa ra quy định về mã số định danh trên hóa đơn là để cơ quan thuế thực hiện triển khai chương trình hóa đơn may mắn.

“Thời gian vừa qua, khi triển khai hóa đơn điện tử, ngành thuế đã triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn”. Mục đích nhằm khuyến khích người tiêu dùng khi mua hàng hóa dịch vụ thì nhận hóa đơn, giúp người mua hàng có cơ hội trúng những giải thưởng giá trị của chương trình “Hóa đơn may mắn”. Vì vậy, chúng tôi có đưa vào tiêu chí mã số định danh cá nhân” - bà Hiền giải thích.

Mã định danh cá nhân bản chất là số CCCD/CMND, số điện thoại… để truy vấn được thông tin về cá nhân đó. Tuy vậy nhiều người, nhất là các nhà bán lẻ rất băn khoăn khi đưa thông tin mã số định danh cá nhân trên các hóa đơn từ máy tính tiền hoặc trên hóa đơn giao cho cá nhân là người tiêu dùng. Vì vậy, bà Hiền cho biết sẽ nghiên cứu, rà soát thêm xem mã số định danh cá nhân có hoàn toàn phù hợp hay không hoặc có thể đưa thêm một số tiêu chí khác để người mua dễ nhớ hơn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cũng giải thích: Nhà nước khuyến khích giao dịch, mua bán có hóa đơn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hóa đơn. Một trong những biện pháp đã đưa ra là chương trình “Hóa đơn may mắn”. Theo đó, ngành thuế mong muốn trao những giải thưởng trị giá 50 triệu đồng, tới đây có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, hàng tỉ đồng… thì việc xác thực về người tiêu dùng cụ thể là điều cần thiết. “Đó là mục tiêu của phía cơ quan thuế khi quy định phải có mã số định danh người mua” - ông Minh nói.

Vẫn theo ông Minh, ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng thì việc này cũng là bình thường. Giao dịch thì cần bên mua - bên bán và nếu xảy ra tranh chấp, khiếu nại thì phải có địa chỉ cụ thể để có cơ sở xử lý. Mặt khác, hoạt động thanh toán bằng thẻ thì thông tin cá nhân cũng đã rất đầy đủ nên chuyện này cũng… bình thường.

Tuy nhiên, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thừa nhận người tiêu dùng lo ngại rằng khi đi mua hàng ở siêu thị mà phải cung cấp mã số định danh cá nhân thì sẽ lộ, lọt thông tin cá nhân. “Chúng tôi ghi nhận lo ngại này và sẽ rà soát về quy định bắt buộc phải có mã số định danh trên hóa đơn, hay chỉ nên khuyến khích người mua lưu giữ lại thông tin cá nhân thì có phù hợp với Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng hay không” - ông Minh nói.

trung-thuong.jpg
Ngành thuế giải thích mục đích đưa ra quy định về mã số định danh trên hóa đơn là để cơ quan thuế thực hiện triển khai chương trình "Hóa đơn may mắn". Ảnh: QH

Có thể gây rủi ro cho nhà kinh doanh

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc yêu cầu người mua phải kê khai thông tin về mã số định danh sẽ là một điểm chặn khiến người mua không muốn lấy hóa đơn do không muốn kê khai thông tin này.

Thêm nữa người bán không có cơ chế xác nhận việc mã số định danh do người mua cung cấp là có chính xác hay không, có đáp ứng điều kiện “mã số định danh theo quy định pháp luật và xác thực điện tử” hay không để thể hiện lên hóa đơn. Việc này sẽ gây rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất hóa đơn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định trên.

Tuy vậy, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng thêm thông tin của các đối tượng không có mã số định danh. Đại diện Tập đoàn VNPT cho rằng trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, nhiều đơn vị không có mã số thuế, cũng không có mã số định danh.

“Đây là các đơn vị sử dụng vốn ngân sách, rất cần tính minh bạch trong việc thực hiện các giao dịch. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định hướng dẫn về việc bổ sung hệ thống mã nào đó, như mã ngân sách để cập nhật trên hóa đơn cấp cho các đơn vị hành chính sự nghiệp” - vị này nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm