Trong dự thảo Thông tư quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới của Bộ Công an đang được lấy ý kiến đóng góp (thay thế Thông tư số 58/2020 ngày 16-6-2020), một nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm là dự thảo có đề xuất biển số xe sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe hay còn gọi là "biển số định danh".
Theo đó, đối với chủ xe là người Việt Nam thì biển số xe được quản lý theo mã định danh cá nhân; người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo mã định danh của người nước ngoài; tổ chức thì biển số xe được quản lý theo mã định danh của tổ chức hoặc mã số thuế.
Nói một cách dễ hiểu, biển số định danh vẫn được cấp theo dạng giống như trước, chỉ khác nhau về cách quản lý. Trước đây xe nào thì biển số đó, giờ thì người nào biển số đó, biển số sẽ đi theo người.
Trước đây, nếu một người muốn bán xe sẽ bán cả xe cùng biển số. Nhưng kể từ ngày 1-7 nếu dự thảo có liên quan đến quy định biển số định danh được thông qua và triển khai thì khi bán xe, người bán có quyền giữ lại biển số đó và đăng ký, nộp cho cơ quan công an.
Đến khi người đó mua xe mới có thể đề nghị công an cấp lại biển số đã đăng ký theo mã định danh trước đó và làm đăng ký xe mới. Tức là xe có thể thay đổi nhưng biển số xe vẫn được giữ nguyên.
Ví dụ: Chị A sở hữu chiếc xe mang biển số 64D1-025.26, chị mang xe đi đăng ký mã số định danh thì khi bán xe chị A sẽ được giữ lại biển số 64D1-025.26 để gắn vào chiếc xe mới.
Đề xuất cấp và quản lý theo biển số xe theo mã số định danh của chủ xe từ ngày 1-7. LÊ THOA |
Theo đề xuất trong dự thảo, trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu xe thì biển số định danh đó được cơ quan đăng ký xe thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.
Cũng theo dự thảo, biển số định danh được giữ lại cho chủ xe trong thời hạn 5 năm, quá thời hạn nếu chủ xe không đăng ký, cơ quan chức năng sẽ thu hồi và đưa vào kho số để thực hiện đăng ký xe theo quy định.
Trường hợp chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác (di chuyển nguyên chủ) thì được giữ lại biển số xe đó (không phải đổi biển số xe).
Đối với một người sở hữu nhiều xe thì mỗi xe vẫn 1 biển số và các biển số đó cũng được quản lý theo mã định danh.
Biển số định danh sẽ được sử dụng suốt đời, không được phép mua bán hoặc chuyển nhượng biển số xe. Tuy nhiên, đối với biển số xe ô tô đấu giá thì được phép bán, chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số xe kèm theo xe.
Ví dụ: Ông B đấu giá trúng được biển số 51T-999.99 mang về lắp vào chiếc xe ô tô thương hiệu BMW. Sau đó, nếu ông B tặng chiếc xe này cho chị C thì ông B có thể tặng chiếc xe BMW và giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu hoặc ông B có thể tặng chiếc xe kèm theo biển số 51T-999.99 cho chị C.
Tuy nhiên, chị C sẽ không có quyền đăng ký biển 51T-999.99 theo mã định danh của mình để tiếp tục lắp vào xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.
8 trường hợp được đề xuất phải thu hồi
giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe
1. Xe hỏng không sử dụng được, xe bị phá hủy do nguyên nhân khách quan.
2. Xe hết niên hạn sử dụng hoặc không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật.
3. Xe bị mất cắp, chiếm đoạt không tìm được, chủ xe đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe.
4. Xe miễn thuế nhập khẩu hoặc xe tạm nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tái xuất.
5. Xe đăng ký tại các khu kinh tế - thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ khi tái xuất hoặc chuyển nhượng vào Việt Nam.
6. Xe đăng ký sang tên, di chuyển đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
7. Xe tháo khung để đăng ký cho xe khác.
8. Xe đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc xe có kết luận của cơ quan có thẩm quyền số máy, số khung bị cắt hàn, đục lại, tẩy xóa hoặc cấp biển số không đúng quy định.
(Theo điều Điều 22 dự thảo Thông tư quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới của Bộ Công an đang được lấy ý kiến đóng góp - thay thế Thông tư số 58/2020 ngày 16-6-2020)