Mùa mưa đến, TP.HCM cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết

(PLO)- Bắt đầu vào mùa mưa, nhiều quận, huyện ở TP.HCM sau khi kiểm tra đã buộc ký cam kết hoặc phạt các trường hợp không thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tháng 5-2023, đoàn kiểm tra phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM phát hiện nhà ông TVY (55 tuổi, ngụ khu phố 4) có nhiều vật dụng có lăng quăng. Sau khi nhắc nhở, đoàn yêu cầu ông Y ký bản cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH theo quy định.

Người dân phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Người dân phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM vệ sinh môi trường
phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Phạt tiền vì để lăng quăng bơi tung tăng

Mặc dù đã ký cam kết nhưng ông Y không thực hiện, tiếp tục những ngày “ăn ngủ” cùng lăng quăng, muỗi vằn. Một tuần sau, đoàn kiểm tra đến nhà ông, ghi nhận lăng quăng xuất hiện nhiều hơn trước nên lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung “không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm” đối với ông Y, đồng thời yêu cầu ông dọn dẹp ngay để diệt lăng quăng.

Dù đã ký cam kết với chính quyền nhưng ông Y không thực hiện, tiếp tục những ngày “ăn ngủ” cùng lăng quăng, muỗi vằn... trong khu vực nhà mình.

Ba ngày sau, UBND phường Bình Hưng Hòa B ký quyết định xử phạt ông Y với số tiền 350.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Tương tự ông Y, dù đã ký cam kết nhưng không thực hiện nên bà TTU (62 tuổi, ngụ khu phố 3) cũng bị UBND phường Bình Hưng Hòa B phạt 350.000 đồng cách đây mấy ngày.

Mới đây, đoàn kiểm tra phòng, chống dịch bệnh SXH xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn phát hiện lăng quăng “bơi lội tung tăng” trong các vật dụng đọng nước được vứt bừa bãi quanh nhà bà VTMH (46 tuổi, ngụ ấp 5). Đoàn kiểm tra nhắc nhở, yêu cầu bà H ký cam kết nếu còn bị đoàn kiểm tra phát hiện có lăng quăng sẽ bị xử phạt. Bà H đã ký văn bản và thực hiện nghiêm túc, tuần sau đoàn kiểm tra đến nhà bà thì không còn tìm thấy lăng quăng nữa.

7.701

là số ca mắc SXH tính từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn TP, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM.

Chủ động phòng, chống SXH

Ông Phạm Hoàng Khanh, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn có gần 130 ca mắc bệnh SXH. “Mùa mưa đã tới, nếu không có các biện pháp phòng, chống thì số ca mắc SXH sẽ gia tăng. Do vậy, người dân sống ở khu vực gần ổ dịch và những điểm nguy cơ phát sinh dịch SXH luôn được giám sát và kiểm tra” - ông Khanh cho hay.

Theo BS Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Y tế huyện Hóc Môn, trong năm 2022 các xã của huyện đã phạt tổng cộng 16 trường hợp không thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH với số tiền trên 30 triệu đồng. “Năm 2023, huyện Hóc Môn chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH để kéo giảm tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh này. Bên cạnh đó kiểm soát, phát hiện và khống chế kịp thời SXH để dịch bệnh không xảy ra” - BS Hải nói.

Tại quận 12, BS Võ Bút Thông, Trưởng phòng Y tế quận, cho biết trong năm 2022 các phường ở quận 12 đã phạt tổng cộng 134 trường hợp không thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH với số tiền trên 100 triệu đồng. Trong đó, UBND phường Đông Hưng Thuận phạt tới 16 trường hợp.

“Năm 2023, quận 12 phấn đấu đạt 90% ổ dịch SXH được điều tra và xử lý kịp thời, giảm 5% tỉ lệ mắc SXH/100.000 dân so với năm 2022. Quận đã xây dựng hệ thống giám sát bệnh SXH từ tổ dân phố, khu phố, trường học cho đến các công ty, xí nghiệp trên địa bàn… để khoanh vùng và xử lý kịp thời ổ dịch, không để lan rộng” - BS Thông nói thêm.

BS Vương Anh Tài, Trưởng phòng Y tế quận 11, cho biết tổng cộng có 39 trường hợp bị phạt do không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH trong năm 2022 và một trường hợp trong năm 2023. Trong đó, phạt nhiều nhất là UBND phường 12 với sáu trường hợp.•

Sốt xuất huyết sẽ tăng khi vào mùa mưa

Theo quy luật diễn tiến dịch bệnh SXH hằng năm tại TP.HCM, mùa cao điểm của bệnh SXH sẽ bắt đầu khoảng 2-3 tuần tới và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10-2023.

Trong hai tuần qua, tuy chỉ mới xuất hiện vài cơn mưa nhưng đã có 20 điểm nguy cơ (có lăng quăng) trong tổng số 39 điểm được giám sát, chiếm tỉ lệ trên 50%. Tỉ lệ này chắc chắn sẽ tăng khi TP.HCM bước vào mùa mưa và từng địa phương, mỗi hộ gia đình không quyết liệt diệt muỗi, lăng quăng để kiểm soát dịch bệnh SXH.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - HCDC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm