Theo ghi nhận của PV, tối 18-8, một số tuyến phố của Hải Phòng ngập lụt do cơn mưa to chiều 18-8. Các tuyến phố như Đổng Quốc Bình (quận Ngô Quyền); đường Tô Hiệu (quận Lê Chân), một số tuyến đường của quận Kiến An, tuyến đường phía huyện Thủy Nguyên ngập lụt nặng nhất.
Sáng 19-8, mưa to ở Hải Phòng diễn ra trong vòng 30 phút, hiện tượng ngập lụt không còn như tối 18-8.
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM sáng 19-8, ông Nguyễn Minh Tuấn, TGĐ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, cho biết: “Chiều tối 18-8, Hải Phòng mưa to và một số tuyến phố có tình trạng ngập lụt nhưng sau đó thoát nhanh. Sáng 19-8, tình trạng này không còn”.
Trước đó, chiều 18-8, Phó Thủ Tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với UBND TP Hải phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phòng, chống lụt bão của hai địa phương này.
Phó Thủ Tướng nhấn mạnh không được chủ quan với cơn bão số 3 này vì cơn bão rất mạnh và càng lúc càng mạnh lên, gió cấp 10 có thể giật cấp 12.
Phó Thủ tướng đề nghị TP Hải Phòng quán triệt các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương về phòng, chống cơn bão số 3. Đây là cơn bão kéo theo lượng mưa lớn (200-300 mm, thậm chí có nơi tới 400 mm). Phó Thủ tướng đề nghị Hải Phòng đặc biệt quan tâm tới công tác thoát nước đô thị.
Theo ông Tuấn, thì hệ thống thoát nước của Hải Phòng sẽ chịu được lượng mưa khoảng 100 mm. Tuy nhiên, việc thoát nước còn phụ thuộc nhiều yếu tố như triều cường, ống thoát nước, tình trạng các sông hồ,...
Tính đến 11 giờ 30 ngày 19-8, hầu hết các tuyến phố ở Hải Phòng đều bị ngập
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Hải Phòng cấm cửa biển từ 17 giờ ngày 18-8.
Đối với Quảng Ninh, từ ngày 16-8 đã có mưa vừa và mưa to. Tính tới 7 giờ sáng ngày 18-8, một số khu vực có lượng mưa lớn đo được là Cẩm Phả 118,6 mm, Tiên Yên 113 mm, Quảng Hà 74 mm, Đông Triều 79,5 mm,...
Tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện cấm tàu thuyền du lịch xuất bến từ 13 giờ ngày 18-8. Các tàu ngủ đêm trên vịnh Hạ Long phải về nơi tránh trú trước 15 giờ chiều 18-8. Theo đó, hơn 8.000 tàu thuyền về trú bão trong đó có 410 tàu đánh bắt xa bờ. Riêng toàn bộ 534 tàu du lịch đã vào bờ neo đậu tránh bão. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được gia cố, chằng chống chắc chắn.
Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng, chống bão số 3.
Tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi khách du lịch rời tất cả đảo để về đất liền tránh trú bão an toàn; riêng chỉ còn đảo Cô Tô còn chín khách du lịch ở lại, trong đó có một khách du lịch người Đức. Tại huyện đảo Cô Tô, chính quyền địa phương đã tổ chức lưu trú an toàn, miễn phí ăn ở cho khách du lịch trong nước và nước ngoài tại đảo này; hướng dẫn 26 tàu về bến Vân Đồn an toàn.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết đã có phương án an toàn đối với khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ sạt lở, khu vực ao đầm, lồng bè, nuôi trồng thủy sản, bến tàu, cầu cảng, vùng trũng ngập lụt, nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng.