Ngày 12-12 đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Bán hàng vào thị trường Nhật Bản” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Câu lạc bộ Hỗ trợ Khởi nghiệp Saigon Times, Câu lạc bộ Thị trường phối hợp cùng Công ty ChatWork... tổ chức.
Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam (công ty phụ trách hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam sang các thị trường nước ngoài thông qua hệ thống của AEON), cho biết: Tháng 10-2018, có sự kiện quan trọng là Nhật Bản đón Thủ tướng Việt Nam sang và có ký bản ghi nhớ hợp tác với nội dung hai bên sẽ đưa mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nhật 500 triệu USD, đến năm 2015 là 1 tỉ USD. Phía AEON, người được chỉ định giao trách nhiệm xúc tiến việc này là tôi.
Vậy mục tiêu năm 2025 trị giá hàng Việt xuất khẩu 1 tỉ USD có khả thi? Ông Yuichiro Shiotani cho biết hiện tại AEON xây dựng ba trụ cột để đạt được mục tiêu đó. Không phải theo từng sản phẩm nhỏ mà theo ba nhóm sản phẩm chính: ngành may mặc, thực phẩm, gia dụng.
AEON chọn những sản phẩm bán chạy ở AEON mà sản xuất tại Việt Nam. Để đạt 1 tỉ USD, ngoài nỗ lực, AEON cần chính nỗ lực từ các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Yuichiro Shiotani nhìn nhận Nhật Bản là một trong những quốc gia có chỉ số tiêu thụ cao trên thế giới nên nhiều quốc gia khác rất muốn bán sản phẩm tốt vào Nhật Bản.
Do đó, thị trường Nhật Bản nơi có sự cạnh tranh rất lớn để đưa hàng vào. Ngay cả các doanh nghiệp ở Nhật để tồn tại, cạnh tranh thì phải hiểu một điều là luôn luôn nỗ lực tăng chất lượng, giảm giá sản phẩm.
Theo ông Yuichiro Shiotani, khi lựa chọn sản phẩm thì AEON xem thị hiếu của khách hàng như thế nào. Thị hiếu người Nhật và Việt Nam có sự khác nhau. Còn tiêu chí về chất lượng thì ở Việt Nam và Nhật đều như nhau.
Một khi doanh nghiệp đã có thể bán hàng cho AEON Việt Nam, ở mức độ nào đó năng lực về sản phẩm, dịch vụ đã chứng thực, vượt qua tiêu chuẩn AEON Việt Nam thì có thể cung ứng hàng đó ở thị trường mà AEON có mặt.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nên làm theo từng bước là thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á trước, tiếp theo là chinh phục thị trường Trung Quốc, cuối cùng là có thể vào phân phối trên toàn hệ thống AEON ở Nhật.
Quầy thực phẩm chế biến sẵn tại AEON Tân Phú, TP.HCM thu hút nhiều người trẻ.
Bà Kim Hoàng (Long An) có dòng sản phẩm handmade chăm sóc tóc và da, có đăng ký thương hiệu, có kết quả lâm sàng trên 100 người dùng…hỏi về tiêu chuẩn để dòng sản phẩm này được vào AEON Việt Nam cũng như AEON Nhật? Đơn vị kiểm tra chất lượng là AEON hay bên thứ ba.
Ông Yuichiro Shiotani cho biết ở Nhật, doanh số của sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe 1.000 tỉ yen/năm. Thị trường 1.000 tỉ yen như vậy là rất lớn nên sự cạnh tranh cũng cao. Vì vậy, doanh nghiệp phải suy nghĩ xem trong nhiều đối thủ như vậy mình dùng cái gì để thắng họ? Thắng bằng chất lượng ưu việt, hay cùng chất lượng mà sản phẩm của mình giá rẻ hơn?
Ví dụ, một doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm vào AEON ở Nhật, điều mà chúng tôi xem quan trọng nhất thỏa mãn một số cái C.O.C, nếu nhà cung cấp không tuân thủ theo, thực sự có “vấn đề” đối với chúng tôi. Trong đó có nội dung doanh nghiệp không được sử dụng người lao động mà không trả tiền cho họ, sử dụng lao động là trẻ em cũng không được hoặc là sử dụng lao động cưỡng bức. Nghĩa là nếu một người không muốn làm công việc đó mà mình ép họ làm.
Ông Nguyễn Mạnh Việt, Tổng Giám đốc Công ty Fosslea, cho biết cơ hội làm việc với người Nhật ở ngành nào cũng có. Công ty mới nhận yêu cầu từ một đối tác thương mại lớn của Nhật, họ muốn nhập đậu tương đông lạnh nhưng hiện tại Việt Nam không có nhà cung cấp nào có đủ năng lực để làm.
Họ đã tìm nhà cung cấp ở Đà Lạt, Kiên Giang nhưng hai bên chưa có tiếng nói chung với nhau. Theo tôi tìm hiểu, để làm được chuyện này đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư xưởng chế biến, kho lạnh, vận chuyển… thì doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu.
Nhật đang nhập đậu tương đông lạnh từ Đài Loan là chủ yếu, giờ họ nhập từ Malaysia, Thái Lan, Việt Nam… vì Việt Nam làm nông nghiệp quy mô nhỏ quá, sản lượng thấp.
“Hiện tại là thời điểm mà doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn, vấn đề làm sao nắm bắt cơ hội này. Vì các nước Campuchia, Bangladesh… xuất khẩu sang Nhật giảm. Cách mà tôi khuyên là doanh nghiệp Việt nên đến Nhật xem thị trường thế nào” - ông Yuichiro Shiotani hướng dẫn.