Muốn chống tham nhũng phải có cơ chế chặt chẽ

LTS. Liên quan đến đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, trên số báo trước, tác giả Hà Văn Thịnh (Đại học Khoa học Huế) lưu ý lớp trẻ cần được giáo dục tính trung thực và lòng nhân ái.

Ở Nhật, tháng 12 được gọi là tháng Chạp, vào tháng cuối năm ai nấy thường phải “chạy” tất tả ngược xuôi để thanh lý những việc còn tồn đọng, nhất là những khoản nợ nần dây dưa… trước khi đón năm mới với nhiều hy vọng, cầu trời sang năm sẽ làm ăn khấm khá hơn. Vì vậy, các sân ga tàu điện, siêu thị, chợ trời… nhộn nhịp, các quầy hàng đua nhau đưa hàng tồn kho tháo khoán bằng những đợt khuyến mãi đại hạ giá liên tục. Chiêu thức “chạy” này hiện rõ trong hoạt động thương mại, tận dụng lễ tết gần kề để thu hồi vốn, phải dứt nợ với nhà cung cấp, ngân hàng… trước khi khóa sổ.

Nhưng ở nước ta thì “chạy” hàm một ý nghĩa rộng hơn, sâu hơn, kéo dài từ năm này qua tháng khác… Có khi suốt cả đời, lúc nào cũng phải vắt chân ngang cổ “chạy đôn chạy đáo” tứ tung.

Muốn chống tham nhũng phải có cơ chế chặt chẽ ảnh 1

Ảnh minh họa: HTD

Lúc nằm trong bụng mẹ đã phải nghe người trong gia đình “chạy” bệnh viện, tìm bác sĩ mát tay đỡ đẻ, tiếp đến khi vừa oa oa cất tiếng chào đời thì bà mẹ phải “chạy” giường, lo cho y tá để có tấm drap sạch sẽ cho con thơ, không phải nằm chung với ai… Bước chân vào nhà trẻ sau khi bố mẹ “chạy” được nơi tươm tất thì bắt đầu một quá trình “chạy” mới, nào là tiền ăn, tiền ngủ, tiền nước…và cả tiền lót tay để cô bảo mẫu chăm sóc con mình kỹ hơn. Quá trình “chạy” từ đây tập trung vào nhà trường, đối với thầy cô… Phải biết điều, học thêm các lớp bồi dưỡng của giáo viên chủ nhiệm để khỏi bị thầy cô “đì”, chuẩn bị cho năm tới và ngày Nhà giáo 20-11 chớ quên lo quà cáp biếu xén cho hiệu trưởng để khi chuyển lớp được chọn ưu tiên.

Cứ thế, “chạy” trường, “chạy” lớp ,“chạy” thầy diễn ra suốt 12 năm cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, các em học sinh phải trải qua không biết bao lần hồi hộp vì phải “chạy”. Lên đại học hay cao đẳng lại bắt đầu một cuộc thử sức mới, “chạy” điểm, “chạy” bằng và khi lên học vị cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ thì phải “chạy” giáo sư hướng dẫn đề tài, “chạy” giáo sư phản biện luận án tốt nghiệp… Tất tất đều phải thông qua thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu), một tệ nạn đã trở thành thông lệ không văn tự nhưng phải nắm vững.

Chưa hết, ra trường thì tiếp tục “chạy” việc, có khi phải tốn hàng chục ngàn đôla nếu là nơi béo bở…, nghĩa là những nơi nào lương bổng khấm khá thì kim ngạch “chạy” việc lại càng cao. Nhiều bác sĩ mới ra trường cũng phải “chạy” để có chỗ làm tốt trong các bệnh viện công.

Vào được rồi, yên ắng trong thời gian đầu để tạo ấn tượng với cấp trên, đồng nghiệp và từ từ đi vào cơ chế tham nhũng một cách đương nhiên, “ai cũng ăn, mình không ăn sẽ bị cô lập ngay, khó làm việc nếu không biết cách tìm nguồn để chia chác”. Ngoài ra, bản thân còn phải thu hồi vốn đầu tư “chạy” việc trước đây nữa chứ! Trong một xã hội mà thử thách của việc “chạy” đã bắt đầu như vậy thì hỏi sao lớp trẻ lớn lên không tinh quái, xem việc tham nhũng, ăn hối lộ là “chuyện thường ngày của huyện”. Niềm tin của lớp trẻ vào người lớn, thầy cô và xã hội bị bào mòn dù có được học giáo dục công dân hay những bài rao giảng về lòng trung thực ở nhà trường.

Khi câu chuyện ăn của đút lót thường xuyên xảy ra trong gia đình, trên bàn cơm hằng ngày thì vấn nạn này sẽ đập vào mắt con trẻ. Sự giả dối giữa lời nói và việc làm ấy của những người lớn biến thế hệ trẻ thành nạn nhân vô ý thức hay vô cảm trước mọi tệ nạn xấu xa của xã hội…

Tại sao lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều phát biểu bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng, hà lạm của công nhưng khuynh hướng tham nhũng ngày càng tinh vi phát triển đến mức táo tợn?

Tham nhũng làm giàu bằng quyền lực và chức vụ không phải là điều lạ lùng gì, hầu như nước nào cũng có. Nhưng một số trường hợp tham nhũng trong xã hội Việt Nam ngày nay có tính tập thể, cả nhóm người cùng phạm pháp. Nói khác đi, nếu không có những chế định chặt chẽ để phòng, chống thì tệ nạn tham nhũng mỗi lúc một nặng nề, là nỗi khổ mà người dân phải gánh khi gõ cửa bệnh viện, trường học và nhất là cửa quan, cố tình bày ra nhiều thủ tục nhiêu khê, thay đổi liên miên để tham nhũng!

Luật pháp không chặt chẽ thì dễ động lòng tham

Phát biểu tại hội nghị Việt kiều ngày 21-11-2009 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “... Chúng ta từ một nước trong chiến tranh, chưa có những kinh nghiệm trong quản lý. Ở nước người ta thì muốn tiêu cực, muốn tham nhũng cũng khó, vì hệ thống luật pháp của họ chặt chẽ. Còn ở Việt Nam của mình, khi không muốn tham cũng động lòng tham.

Người thủ quỹ cứ giữ tiền khư khư, ở quỹ lúc nào cũng có số dư cho nên lúc bí quá thì em mượn một chút, mượn không thấy ai đòi hết... thì em mượn thêm. Chứ không phải người Việt Nam tham nhũng nhất thế giới, không phải vậy! Cho nên tôi đề nghị quý vị ở nước ngoài khi nghe những thông tin này, rồi nhìn về Việt Nam cũng đừng có hốt hoảng, cứ nghĩ rằng trong nước mình tiêu cực quá...”.

HỒNG LÊ THỌ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm