Luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Sau khi đăng ký sẽ được cấp thẻ đăng ký hiến mô, tạng.
Trong trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.
Do đó, người trên 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được tự mình quyết định có đăng ký hiến tạng hay không.
Để đăng ký hiến tạng người hiến liên hệ tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia bằng hình thức trực tiếp hoặc qua qua mạng thông qua trang web của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tại địa chỉ http://vnhot.vn
Đăng ký hiến tạng trực tiếp tại hai địa điểm:
- Tại Hà Nội, người dân đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép Bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế được đặt tại BV Việt Đức (số 40 Tràng Thi, Hà Nội) từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần để đăng ký.
- Tại TP.HCM, người dân đăng ký trực tiếp tại Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại BV Chợ Rẫy (số 201B đường Nguyễn Chí Thanh) từ thứ Hai đến thứ Sáu. Nếu ở xa, có thể liên hệ qua điện thoại để được hướng dẫn cách thức gửi đơn đăng ký hiến mô, tạng theo đường bưu điện.