Ngày 14-2, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND TP.HCM đã quyết định cho học sinh (HS) toàn TP ngừng đến trường đến hết ngày 28-2, tiếp tục học trên Internet để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 theo quy định đã đề ra. Việc dạy học trên Internet đa dạng hơn, qua nhiều kênh tương tác.
Dạy học theo thời khóa biểu
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND TP, bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1), cho biết đã lập kế hoạch chung về việc thực hiện hoạt động online của nhà trường nhằm phòng, chống dịch bệnh từ ngày 17 đến hết ngày 28-2. Kế hoạch này đã được gửi đến giáo viên (GV), phụ huynh và HS vào ngày 15-2.
Kế hoạch cụ thể về dạy học, thời khóa biểu và tài khoản để học đã được trường gửi vào ngày 17-2. Ngày 18-2, toàn trường bắt đầu áp dụng thời khóa biểu mới.
Để thực hiện việc dạy học, trường chọn hệ thống K12 online của Viettel xây dựng và phát triển, GV và HS đều đã được tạo tài khoản. Nhà trường đã xây dựng thời khóa biểu chung cho toàn trường bao gồm chương trình chính khóa của tất cả môn học và chương trình buổi hai theo như kế hoạch đã xây dựng và thực hiện từ đầu năm.
Thầy Doãn Văn Thuận, giáo viên môn địa lý Trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân, chuẩn bị bài giảng để dạy cho học trò qua Internet. Ảnh: NTCC
Việc tổ chức học online được tổ chức theo những khung giờ nhất định, có giờ giải lao. Riêng các tiết học tiếng Anh bản ngữ, tăng cường tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp không học online. Đối với các lớp bồi dưỡng HS giỏi lớp 12, GV chủ động ôn tập qua nhiều hình thức.
Hiệu trưởng nhà trường cho biết việc triển khai bài giảng có thể diễn ra qua nhiều hình thức. GV tổ tự soạn bài giảng thông qua tổ trưởng chuyên môn duyệt, giảng và tương tác trực tiếp với lớp phụ trách trong khung giờ thời khóa biểu qua lớp học trên hệ thống. Hoặc nhóm, tổ chuyên môn soạn bài giảng chung qua các clip, gửi ban giám hiệu duyệt, GV bộ môn sử dụng các bài giảng đó để tương tác với lớp phụ trách.
Trong quá trình dạy học, GV trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả của HS thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống. Kết quả kiểm tra, đánh giá sử dụng cho các cột điểm kiểm tra thường xuyên. Khi HS đi học trở lại, nhà trường và GV sẽ tổ chức cho HS ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức.
“Do đã có kinh nghiệm từ những lần trước nên việc dạy học trên Internet lần này không quá khó khăn với chúng tôi” - thầy Võ Kim Bảo, GV Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), bày tỏ.
Thầy Bảo cho hay việc dạy học sẽ chính thức được thực hiện vào hôm nay. Ngày 17-2, ban giám hiệu đã tập huấn GV về phần mềm mới để dạy tốt hơn. Toàn trường sử dụng phần mềm Teams của Microsoft và kết hợp với một số ứng dụng khác. Buổi sáng tập huấn trực tuyến, buổi chiều tập huấn trực tiếp tại trường.
“Việc dạy học theo thời khóa biểu, dạy đúng theo phân phối chương trình, trừ các môn nhạc, họa và thể dục. Trong quá trình dạy có ra bài tập lấy điểm và làm bài kiểm tra online” - thầy Bảo nói thêm.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Long (quận Bình Tân), cho biết trường sẽ đăng các bài giảng theo thời khóa biểu lên YouTube để HS học, trừ môn thể dục và các tiết thực hành như công nghệ, sinh, hóa, lý.
“Riêng các em lớp 9 sẽ được tăng cường bài tập theo đề cương thầy cô đã in sẵn cho các em. Sau khi học xong một bài, các em sẽ làm bài tập, chụp ảnh bài làm và gửi qua Zalo cho thầy cô. Khi đi học lại, các em sẽ được kiểm tra lại các kiến thức đã học. Những em nào chưa hiểu sẽ được dạy thêm trong các tiết buổi hai” - bà Giang nhấn mạnh.
Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) cũng vừa gửi thông báo cho phụ huynh về việc học trực tuyến từ ngày 17 đến 20-2.
Theo đó, đối với các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, HS sẽ học theo thời khóa biểu cụ thể, mỗi tiết 45 phút. Đối với các môn còn lại, HS truy cập vào trang web của trường để cập nhật nội dung bài học, bài tập của tuần 23.
Lựa chọn khung giờ phù hợp
Tại bậc tiểu học, ngày 15-2, Trường Tiểu học Hồng Đức (quận 8) đã họp trực tuyến với GV để lên kế hoạch dạy học trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay việc dạy học được triển khai theo hai phương án. GV sẽ tương tác trực tiếp với HS qua các phần mềm hoặc GV sẽ soạn bài, sau đó đưa video bài học lên website của trường hay Zalo. HS sẽ học theo thời khóa biểu, buổi sáng từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30, buổi chiều 14 giờ đến 16 giờ.
“HS của trường đa số có hoàn cảnh khó khăn, cho nên căn cứ vào tình hình của mỗi lớp, GV sẽ có phương án phù hợp, miễn sao các em có thể tiếp cận bài giảng của GV. Việc học trực tuyến sẽ khó vì cha mẹ đi làm cả ngày, các em sẽ không thể tham gia. Sau khi các em học tập trung, trường sẽ ôn lại những kiến thức đã học” - ông Giàu nói thêm.
Một học sinh lớp 6 trường THCS Lê Quý Đôn quận 3 đang thử thiết bị, đường truyền để chuẩn bị cho việc học trên internet qua google meet. Ảnh chụp chiều 17-2-2021. Ảnh: TN
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh (quận 3), cho hay việc dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học hơi khó vì lứa tuổi các em còn nhỏ, cần sự hỗ trợ của gia đình. Vì thế, các lớp 1, 2, 3 trường chọn giải pháp GV sẽ quay bài giảng, sau đó đăng lên website của trường hoặc Zalo của lớp. Phụ huynh sau khi đi làm về sẽ cùng con học bài. Nếu có vấn đề thắc mắc, GV sẽ giải đáp. Còn lớp 4, 5, HS đã có thể tự học, tùy theo tình hình lớp và điều kiện GV có thể dạy online.•
TP.HCM hướng dẫn dạy học trên Internet ở bậc tiểu học
Hiệu trưởng chỉ đạo GV xây dựng kế hoạch dạy học trên Internet bằng nhiều giải pháp khác nhau, tập trung cho các môn học sau: Khối 1, 2, 3: toán, tiếng Việt, ngoại ngữ.
Khối lớp 4, 5: toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, khoa học, lịch sử và địa lý.
Đối với các nơi có điều kiện, khuyến khích GV các môn khác cùng tham gia thực hiện dạy học qua Internet.
Nhà trường sắp xếp thời gian tổ chức dạy học phù hợp, thuận tiện với thời gian học tập của HS, thông báo thời gian biểu cụ thể đến cho cha mẹ HS để hỗ trợ.
GV cung cấp tài liệu, học liệu thực hiện hoạt động dạy học và phát trực tiếp thời gian thực thông qua các ứng dụng hỗ trợ; HS tham gia vào các phòng học trực tuyến để học. Sở GD&ĐT TP.HCM