Hợp tác với đối tác uy tín nước ngoài, mượn công nghệ ngoại... đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt với tham vọng xây dựng sản phẩm mang thương hiệu “made in Vietnam”.
Ô tô, xe máy… “quốc tịch” Việt Nam ra đời
Tập đoàn Vingroup liên tiếp có những màn ra mắt các sản phẩm công nghệ đình đám, làm dấy lên kỳ vọng về những sản phẩm do chính tay người Việt tạo ra. VinFast, một công ty con của Vingroup đã ra mắt xe hơi Việt Nam (VN) tại thủ đô hoa lệ Paris và nhận được nhiều đánh giá tốt về kiểu dáng, chất lượng.
Tuy vậy, khi chiếc xe hơi mang thương hiệu VinFast vẫn chưa đưa vào thương mại thì Vingroup đã tung ra chiếc xe điện VinFast Klara được người tiêu dùng Việt đón nhận khá tốt. Những chiếc xe điện này đã được vận hành trên các đường phố giữa một rừng xe máy mang thương hiệu của các ông lớn nước ngoài. Không dừng tại đây, Vingroup còn tung ra những dòng điện thoại thông minh.
Để nhanh chóng ra đời những sản phẩm công nghệ cao, tất nhiên Vingroup vốn là một nhà phát triển bất động sản và dịch vụ thương mại không thể đi một mình khi nền công nghiệp VN vẫn chưa hoàn thiện. Sự đột phá của tập đoàn trong mảng công nghệ nhờ vào việc bắt tay hợp tác với các ông lớn nước ngoài. Những người đứng đầu của Vingroup cũng không giấu giếm việc hợp tác cũng như mua các thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài để sản xuất sản phẩm.
Cụ thể, với xe hơi, Vingroup mua công nghệ của BMW, Siemens, Bosch, Magna International, Pininfarina. Hiện đang có nhiều kỹ sư Đức làm việc tại nhà máy sản xuất xe hơi của Vingroup ở Hải Phòng. Đặc biệt, thương hiệu xe hơi VinFast đang được dẫn dắt bởi James DeLuca, cựu phó chủ tịch Tập đoàn General Motors. Vingroup cũng hợp tác với nhiều thương hiệu châu Âu phụ trách thiết kế xe hơi. Với điện thoại, Vingroup nhận được hỗ trợ của nhà sản xuất BQ từ Tây Ban Nha.
Sản phẩm dưa lưới được sản xuất theo công nghệ cao của Tập đoàn Pan hợp tác với Nhật. Ảnh: PM
Theo các chuyên gia đây là chiến lược hợp lý, bởi nó giúp rút ngắn thời gian phát triển, nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, nắm vững công nghệ. Và một khi đủ lực sẽ tự tạo ra sản phẩm cho riêng mình, tức sản phẩm mang “quốc tịch” VN.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, không che giấu tham vọng của mình. Ông nói: “Chúng tôi kỳ vọng xây dựng một thương hiệu ô tô Việt có thể cạnh tranh với thế giới. Chúng tôi cũng muốn phát triển một ngành công nghiệp có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp khác ở VN”.
Một cách tương tự, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) xây dựng thương hiệu của mình nhờ vào sự hợp tác từ Mazda Motor và Kia Motors. Thực tế Thaco vẫn chưa xây dựng được một xe hơi mang thương hiệu VN nhưng nhờ vào việc học hỏi và nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác, công ty này đã tạo ra các sản phẩm máy móc nông nghiệp do chính người Việt sáng tạo.
Tham vọng đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài
Ở một góc độ khác, nhiều DN đặt tham vọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm VN và đưa những sản phẩm này ra đấu trường quốc tế. Một trong những cách làm táo bạo là chơi với các đối tác sừng sỏ theo hướng hai bên cùng có lợi.
Bằng chứng là ngay trong đầu năm mới, NutiFood đã công bố hợp tác với Tập đoàn Asahi của Nhật Bản (NB). NutiFood rõ ràng biết chọn người chơi khi Asahi có hơn 100 năm kinh nghiệm tại thị trường dinh dưỡng trẻ em NB. Tổng doanh thu của Asahi năm 2017 lên đến khoảng 19 tỉ USD.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood, cho biết sự hợp tác với đại gia thực phẩm NB nằm trong chiến lược vươn ra thế giới của công ty với tham vọng đưa sản phẩm và thương hiệu của VN sánh vai cùng với các tập đoàn nổi tiếng toàn cầu.
Cũng bằng cách hợp tác với Tập đoàn Sojitz của NB, ứng dụng công nghệ và tiêu chuẩn Nhật trong sản xuất, Tập đoàn Pan đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm với tham vọng xây dựng thương hiệu cho nông sản và thực phẩm VN trên thị trường quốc tế.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Pan Nguyễn Duy Hưng cho hay sở hữu mạng lưới kinh doanh toàn cầu, Sojitz sẽ hỗ trợ Pan cải thiện năng suất, thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng, hệ thống phân phối. Chưa dừng tại đây, Pan và Sojitz còn thành lập một ủy ban hợp tác Việt-Nhật để nâng tầm chất lượng sản phẩm Việt. Trong đó tập trung vào ba mảng chính là gạo, cá tra và bánh kẹo. Tất cả sản phẩm này sẽ mang thương hiệu VN.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, bình luận bằng chiến lược khác biệt, sự nổi lên của các tập đoàn tư nhân là điều rất đáng mừng và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với nền kinh tế đất nước. Nhìn về cách làm của các tập đoàn tư nhân trên có thể thấy rằng họ đã ý thức được việc sẽ tham gia vào cuộc chơi lớn, mang tính dẫn dắt cuộc chơi, tạo chuỗi sản xuất chứ không phải phát triển riêng lẻ.
“Sự phát triển của họ vẫn còn chặng đường dài nhưng đó là bằng chứng cho thấy DN Việt hoàn toàn có thể làm chủ, nâng chuẩn quy mô và năng lực cạnh tranh” - ông Thiên nhận định.
Kỳ vọng tạo ra các tập đoàn tư nhân hàng đầu TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, cho rằng sự nổi lên của các DN tư nhân là điều đáng mừng. Điều đó cho thấy họ đủ năng lực cạnh tranh với DN nước ngoài, cho ra được các sản phẩm tốt, giá thành phù hợp để chiếm lĩnh thị trường.
Đặc biệt, việc các DN Việt nỗ lực xây dựng sản phẩm “made in Vietnam” sẽ giúp kinh tế phát triển một cách độc lập, tự cường mà không quá phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Môi trường kinh doanh thuận lợi, cởi mở chính là nền tảng quan trọng để các công ty tư nhân vươn lên trở thành những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu. Nếu các công ty tư nhân phát triển thành công trong các ngành mũi nhọn, trong tương lai, VN sẽ nhìn thấy sự xuất hiện các DN khổng lồ như NB, Hàn Quốc, Thái Lan… Từ đó tạo nên trụ cột lớn cho nền kinh tế, mang tính dẫn dắt định hướng, lan tỏa cho các DN Việt vừa và nhỏ khác để tạo thành một lực lượng DN Việt hùng hậu. |