'Chi phí ban ngành nhiều quá' khiến hàng Việt yếu thế

Ngày 14-2, thông tin tại buổi công bố kết quả điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) năm 2019 cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng (NTD) yêu thích sản phẩm ngoại nhập từ kết quả khảo sát ba năm gần đây vẫn cao hơn tỷ lệ mua dùng hiện tại.

Với xu thế này, trong tương lai gần có thể tỷ lệ mua dùng sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch sang các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng của Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan.

Trong bối cảnh hàng ngoại nhập đang tràn ngập như vậy, doanh nghiệp Việt làm gì để cạnh tranh? Trả lời câu hỏi này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết: DN ngày càng ý thức rõ về sự tín nhiệm của NTD đối với sự sống còn của mình và bằng nhiều cách khác nhau DN “mua chuộc” NTD bằng nhiều hình thức linh hoạt.

Trước đây thường hay nghe mua hàng là có quà, có khuyến mãi… bây giờ DN củng cố chất lượng cho sản phẩm nhiều nhất. Đồng thời, tìm cách có mối liên hệ trực tiếp với NTD để giới thiệu những ưu việt trong sản phẩm.

"Hiện nay DN nhỏ đã sử dụng kênh online, mạng xã hội… để cung cấp cho khách hàng mục tiêu rất tốt. Hay ngay cả những người bán tạp hóa cũng bắt đầu sử dụng mạng xã hội hay các hình thức mà không tốn nhiều chi phí để tiếp cận NTD", bà Hạnh nói.

Tuy vậy có hiện tượng DN “co cụm” lại địa bàn phân phối của mình. Cụ thể, bây giờ việc cố gắng thâm nhập thị trường phía Bắc hay Hà Nội của DN có sụt giảm. Vì ngoại trừ một số DN HVNCLC kiên quyết đeo bám thị trường, còn lại là bị hàng Trung Quốc, hàng giả cũng như chi phí vận chuyển quá cao nên DN có phần tập trung ngay tại địa bàn chính yếu nhiều hơn.

Ngoài ra, dẫn thông tin từ chia sẻ của một DN, bà Hạnh cho biết một vấn đề khiến DN đang gặp vướng chính là “chi phí ban ngành” quá nhiều. Ngược lại dù có những chương trình hỗ trợ của nhà nước dành cho DN nhưng “tản mạn”, theo kiểu “lọt sàn xuống nia” và không biết xuống nia được bao nhiêu.

Cũng theo bà Hạnh, hiện nay một cuộc cạnh tranh dữ dội đáng quan ngại hơn là cạnh tranh công nghệ. Tất cả các nước Asean ngoại trừ Việt Nam thì chính phủ đều có chính sách về hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, ngay cả những DN nhỏ nhất.

Chẳng hạn Malaysia ra quy định nếu DN nào chưa có bằng cấp về chuyển đổi số thì không cấp giấy phép kinh doanh… còn Việt Nam hoàn toàn vắng bóng, mà vai trò của công nghệ là lợi thế của các DN Nhật, Hàn Quốc…

Nông sản Trung Quốc nhập lậu bị lực lượng QLTT Lâm Đồng phát hiện tạm giữ

Sự dịch chuyển của NTD sang hàng ngoại nhập là mối lo ngại lớn? Bà Hạnh cho rằng thị trường ngày càng rộng mở, chẳng hạn từ ngày 14-1-2019, Hiệp định CPTPP có hiệu lực, có nghĩa hàng hóa Việt Nam vào các nước được ưu đãi lớn về thuế và ngược lại.

Cho nên cuộc cạnh tranh về giá phải được sự hỗ trợ từ các yếu tố khác. Ví dụ sản phẩm Việt phải nổi trội về mẫu mã, về tính năng, chất lượng ổn định… cùng với yếu tố giá thì mới có sức mạnh cạnh tranh.

 “NTD hãy ngày càng chú ý nhiều hơn đến những chất liệu trên để có nền tiêu dùng văn minh, để thấy rõ giá trị của sản phẩm hơn là chỉ có giá cả. Chúng ta cần thiết chú ý như vậy hy vọng sản phẩm Việt Nam sẽ có lợi thế hơn”, bà Hạnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm