Theo phán quyết của DOC, giai đoạn rà soát POR8 từ ngày 1-2-2012 đến 31-1-2013, có 32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá giá. Hai bị đơn bắt buộc là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế chống bán phá giá 4,98% và Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) chịu mức thuế cao nhất 9,75%. Mức thuế suất bình quân 6,37% được áp dụng cho khoảng 30 nhà xuất khẩu khác không được chọn làm bị đơn bắt buộc.
Có 32 DN xuất khẩu tôm Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá.
Luật sư Thụy cho hay trong đợt rà soát này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã cố gắng chứng minh nhằm hạ thấp mức thuế suất, kể cả việc thuyết phục DOC nên sử dụng giá trị thay thế của Indonesia thay vì Bangladesh và yêu cầu DOC không thay đổi phương pháp tính toán theo như kết quả sơ bộ sử dụng. Tuy nhiên, sau cùng DOC vẫn theo đuổi cùng phương pháp tính của kết quả sơ bộ nên đã giữ nguyên trong kết quả cuối cùng của kỳ rà soát lần 8 này.
Khoảng 1 tháng nữa là thời hạn cho DN tôm Việt Nam khiếu nại quyết định này lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ.
May mắn là trong đợt này vẫn có 6 doanh nghiệp vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế suất 0% do không có xuất hàng trong kỳ rà soát này. Cụ thể, công ty Seavina, Nhật Đức được hưởng mức thuế 0%; Cam Ranh Seafoods hưởng mức thuế 0.88% áp dụng đến tận tháng 9-2016 (chịu rà soát của kỳ 10, nếu có xuất hàng trong kỳ này). Còn 3 công ty còn lại là Bac Lieu Fisheries, Ngọc Sinh, Ngọc Trí hưởng mức thuế 0% được áp dụng đến tháng 9-2015 và chịu rà soát của kỳ 9.
Các mức thuế suất nêu trên sẽ có hiệu lực đối với hàng tôm đông lạnh nhập vào Mỹ vào đúng ngày hoặc sau ngày công bố quyết định trong Công Báo Liên Bang Mỹ, nhiều khả năng sẽ có hiệu lực trong tuần tới. Sau khi quyết định được công bố, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thời hạn 30 ngày để khiếu nại quyết định của DOC ra Tòa Án Thương Mại Quốc Tế Mỹ.