Đã gần một tuần sau khi Qatar bị các nước Ả Rập vùng Vịnh và Trung Đông cắt quan hệ và cô lập. Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện tại là một phép thử ngoại giao quan trọng với Mỹ, vốn là đồng minh thân cận với cả hai bên. Tuy nhiên, hiện Mỹ đang bất nhất trong thái độ với Qatar. Trong khi các bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực giảm căng thẳng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-6 cáo buộc Qatar là nhà tài trợ cấp cao cho khủng bố.
“Không may là Qatar có lịch sử tài trợ khủng bố ở mức rất cao” - ông Trump nói với báo chí từ Nhà Trắng. “Vì thế chúng ta phải quyết định, chúng ta sẽ chọn hướng đi dễ dàng hay chúng ta sẽ chọn hành động khó khăn mà cần thiết? Chúng ta cần chấm dứt tài trợ khủng bố. Tôi quyết định... đã đến lúc kêu gọi Qatar chấm dứt hành động này” - ông Trump nói.
Ông Trump cho biết thêm là ông đã giúp các lãnh đạo Ả Rập lên kế hoạch hành động với Qatar sau lần ông thăm Saudi Arabia tháng trước. Phát ngôn này mâu thuẫn với lời một quan chức cấp cao Mỹ với Reuters trước đó rằng Mỹ không hề biết trước chuyện các nước Ả Rập sẽ cô lập Qatar. Rằng Mỹ không nhận thấy dấu hiệu gì của việc này khi ông Trump thăm Saudi Arabia tháng trước.
Tổng thống Mỹ Trump (thứ ba từ phải sang) trong chuyến thăm Saudi Arabia tháng trước. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong khi ông Trump cứng rắn với Qatar thì Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Qatar bị cô lập sẽ hạn chế Mỹ thực hiện các chiến dịch quân sự dài hạn trong khu vực. Căn cứ không quân Al-Udeid của Mỹ ở Qatar với hơn 11.000 quân Mỹ và liên quân rất quan trọng trong cuộc chiến chống IS.
Về phần mình, Ngoại trưởng Rex Tillerson ngày 9-6 kêu gọi các nước thôi cô lập Qatar, hy vọng các bên sẽ tìm ra giải pháp. Trong khi yêu cầu Qatar chấm dứt tài trợ khủng bố, ông Tillerson cũng cho rằng việc các nước phong tỏa các tuyến giao thông và thương mại ảnh hưởng đến người dân Qatar cũng như đến cuộc chiến chống IS của Mỹ.
Dù biểu hiện khác nhau nhưng theo một quan chức cấp cao Nhà Trắng, cả ông Trump và ông Tillerson hay Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều cùng một quan điểm về Qatar.
“Mỹ muốn có một giải pháp giải quyết tình hình nhưng phải là giải pháp phù hợp với các nguyên tắc tổng thống đã nêu ở Saudi Arabia” - theo quan chức này, thêm nữa ông Trump cũng rất quan ngại ảnh hưởng nhân đạo của cuộc khủng hoảng.
Hàng hóa siêu thị ở Doha (Qatar) bắt đầu cạn kiệt. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngày 9-6, căng thẳng quanh khủng hoảng ngoại giao Ả Rập tăng thêm khi các nước Ả Rập siết trừng phạt Qatar. 59 cá nhân liên quan đến Qatar bị đưa vào danh sách khủng bố, trong đó có 18 công dân Qatar. Trong số này có nhiều nhân vật trong danh sách liên quan đến phong trào Anh em Hồi giáo.
Chính phủ Qatar lên án sự trừng phạt này. Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani xem hành động của các láng giềng Ả Rập là vi phạm luật pháp quốc tế cũng như luật nhân đạo quốc tế. Qatar tuyên bố sẽ không thỏa hiệp và tự tin sẽ vượt qua sự cô lập của các nước láng giềng.
Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Qatar, có kế hoạch đưa quân đến một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nước này sẽ đưa khoảng 200-250 binh sĩ đến trước, sau đó đến máy bay chiến đấu và tàu chiến.