Báo Le Monde đưa tin tối 14-11 (giờ địa phương), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở Hà Lan đã công bố báo cáo với kết luận như trên.
Công tố viên Fatou Bensouda (ảnh) giải thích có cơ sở đáng tin cậy cho thấy các phạm nhân đã bị tra tấn và bị bạo hành trong quá trình thẩm vấn. Bà đang xem ICC có thẩm quyền điều tra sự việc hay không. Nếu ICC có đầy đủ quyền tài phán, đây sẽ là một trong những vụ điều tra phức tạp nhất và gây tranh cãi nhất từ lúc ICC ra đời năm 2002 theo Quy chế Rome 1998.
Báo cáo của ICC ghi nhận các binh sĩ Mỹ có thể liên quan đến tối thiểu 61 phạm nhân bị tra tấn, đối xử dã man và xâm phạm nhân phẩm tại Afghanistan. Còn các nhân viên CIA có thể liên quan đến các hành vi như thế đối với tối thiểu 27 phạm nhân tại Afghanistan, Ba Lan, Romania và Litva.
Bà Fatou Bensouda nhận xét đây không phải là hành vi của các cá nhân riêng lẻ mà được thực hiện với chủ đích thu thập thông tin tình báo qua kỹ thuật hỏi cung dựa trên các biện pháp ác độc để đáp ứng mục đích của Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan.
Ngoài quân đội Mỹ và CIA, báo cáo của ICC còn xác định cơ quan tình báo và cảnh sát Afghanistan cũng có thể đã sử dụng biện pháp tra tấn đối với các phạm nhân. Hành vi tra tấn được thực hiện từ cuối thập niên 1970 và đến nay có liên quan đến 35%-50% số phạm nhân.
Song song theo đó, báo cáo của ICC khẳng định Taliban tại Afghanistan đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người liên quan đến cái chết của hơn 17.000 thường dân. Báo cáo nêu: “Từ tháng 5-2003, các nhóm nổi dậy đã tiến hành nhiều vụ tấn công vào các địa điểm được bảo vệ, trong đó có trường học, cơ quan dân sự, bệnh viện, địa điểm thiêng liêng và đền thờ”.
Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ, CIA được chính quyền Bush bật đèn xanh sử dụng các phương pháp hỏi cung được gọi là “cải tiến”, trong đó có biện pháp dội nước tra tấn. CIA đã ngừng sử dụng các biện pháp này từ tháng 12-2007 và Tổng thống Obama đã chính thức cấm vào tháng 1-2009.
Afghanistan chưa phê chuẩn Quy chế Rome 1998 nhưng đã thừa nhận thẩm quyền của quy chế này vào tháng 2-2003. Tuy nhiên, quá trình điều tra đối với các lực lượng quân sự Afghanistan sẽ phức tạp vì Quốc hội Afghanistan đã thông qua đạo luật về đại xá có hiệu lực từ năm 2009. Mỹ cũng chưa phê chuẩn Quy chế Rome 1998.