Mỹ đang tính xem lính vượt biên sang Triều Tiên là tù binh chiến tranh

(PLO)- Quân đội Mỹ đang thảo luận việc xem binh sĩ Travis King vượt biên sang Triều Tiên vào tháng trước là tù binh chiến tranh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đài CNN ngày 4-8 dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thảo luận về khả năng xem binh sĩ Travis King - người vượt biên sang Triều Tiên vào tháng trước - là tù binh chiến tranh.

Binh sĩ Hàn Quốc đứng gác tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào tháng 7-2022. Ảnh: JOINT PRESS CORPS

Binh sĩ Hàn Quốc đứng gác tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào tháng 7-2022. Ảnh: JOINT PRESS CORPS

Theo các quan chức này, cho đến nay chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về tình trạng của binh sĩ King cho nên binh sĩ này vẫn bị coi là đối tượng đào ngũ.

“Chưa có quyết định cuối cùng về tình trạng của binh sĩ King, tuy nhiên binh sĩ này phải được đối xử nhân đạo theo luật pháp quốc tế” - theo một quan chức quốc phòng Mỹ.

“Mặc dù tôi không thể tiết lộ bất kỳ cuộc thảo luận nội bộ nào đang diễn ra nhưng tôi có thể nhấn mạnh rằng ưu tiên của Bộ [Quốc phòng] là đưa binh nhì King về nước và chúng tôi đang làm việc thông qua tất cả kênh có sẵn để đạt được kết quả đó” - quan chức này nói thêm.

Ý nghĩa của việc công nhận là tù binh chiến tranh

Theo CNN, binh sĩ King có thể được công nhận là một tù binh chiến tranh vì chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 đến 1953 chỉ dừng lại ở Hiệp định đình chiến, không phải hiệp định hòa bình. Do đó, về mặt kỹ thuật Mỹ và Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.

Hãng Reuters cho biết quyết định trên vô cùng nhạy cảm đối với quân đội Mỹ do cam kết không bỏ lại binh sĩ nào phía sau chiến tuyến.

Công nhận binh sĩ King là tù binh chiến tranh đồng nghĩa binh sĩ này sẽ nhận được sự đảm bảo an toàn cao hơn theo Công ước Geneva.

Công ước này quy định các bên ký kết phải tuân thủ các hướng dẫn nghiêm ngặt về đối xử tù binh như chăm sóc y tế đầy đủ, cho phép Hội Chữ thập đỏ tiếp cận và liên lạc với người thân. Cả Mỹ và Triều Tiên đều tham gia Công ước Geneva.

Chuyên gia luật quân sự Rachel VanLandingham thuộc Trường luật Southwestern (Mỹ) cho biết việc công nhận binh sĩ King là tù binh chiến tranh là cách để Mỹ có thể bảo đảm binh sĩ vượt biên này được đối xử một cách nhân đạo.

Theo Công ước Geneva, tù binh chiến tranh cũng có quyền có một quan sát viên trung lập và độc lập giám sát khi bị giam cầm.

Hình ảnh binh sĩ Travis King tại một ga xe lửa ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hôm 24-7. Ảnh: AP

Hình ảnh binh sĩ Travis King tại một ga xe lửa ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hôm 24-7. Ảnh: AP

Vì sao chưa thể công nhận?

Tuy nhiên, chuyên gia VanLandingham lưu ý rằng hiện chưa rõ Triều Tiên có thừa nhận tình trạng tù binh chiến tranh hoặc sẵn sàng công nhận tình trạng này đối với binh sĩ King hay không.

Dù vậy, bà VanLandingham cảnh báo việc Mỹ công nhận binh sĩ King là tù binh chiến tranh có thể khiến Triều Tiên hiểu rằng Washington đang coi cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp diễn 7 thập niên qua thay vì đã đình chiến sau khi Hiệp định đình chiến được ký.

“Hàm ý chính trị của vấn đề đó rất nguy hiểm” - bà VanLandingham nhận định.

Trong khi đó, một cựu luật sư cấp cao của Lực lượng Không quân Mỹ nhận định với đài CNN rằng không có khả năng binh sĩ King sẽ được công nhận là tù binh chiến tranh vì không có cuộc chiến nào xảy ra khi binh sĩ này vượt biên sang Triều Tiên.

Theo cựu luật sư này, binh sĩ King không bị bắt trong bối cảnh xung đột xảy ra hay binh sĩ bị buộc đi sang Triều Tiên mà thay vào đó anh ta tự ý sang Triều Tiên.

Ngoài ra, một số quan chức quốc phòng Mỹ nói với đài CNN rằng thời điểm binh sĩ King vượt biên sang Triều Tiên, người này đang mặc trang phục dân sự và tham gia một đoàn tham quan dân sự tại Khu vực an ninh chung (còn gọi là Bàn Môn Điếm) ở Khu phi quân sự (DMZ). Do đó, binh sĩ King có thể không đủ tiêu chuẩn để được công nhận là tù binh chiến tranh.

Lầu Năm Góc, Nhà Trắng chưa bình luận về thông trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm