Theo đài RT, hồi giữa tuần này, một phái đoàn Mỹ đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để trình bày những điều khoản của Washington cho các quan chức của bộ Quốc phòng và Ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tờ Yeni Şafak của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-1 đưa tin hợp đồng do người Mỹ đưa ra bao gồm một điều kiện tiên quyết, đó là các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sẽ chỉ được cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này từ bỏ thỏa thuận mua các hệ thống phòng không của Nga.
Vào tháng 12-2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt việc bán 80 tên lửa Patriot và 60 tên lửa khác, cùng với các trạm phóng, radar và những thiết bị khác, cho Thổ Nhĩ Kỳ, nước mà Washington coi là “đồng minh quan trọng”.
Ảnh: RT
Về phần mình, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, vốn lâu nay cố gắng để có những tên lửa trên, đã thất vọng với Mỹ vì đã không bán cho họ tên lửa “khi họ cần nhất”.
Năm 2017, Ankara đã ký hợp đồng với Nga để mua các hệ thống phòng không S-400 tiên tiến hơn. Quá trình lắp đặt dự kiến sẽ bắt đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 năm nay.
Động thái này đã gây phẫn nộ ở Mỹ, khi Washington tuyên bố việc sử dụng thiết bị quân sự của Nga ở một nước thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ gây nguy hiểm cho toàn khối. Quốc hội Mỹ đã trì hoãn việc chuyển 100 chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa.
Tuy nhiên, Ankara đã miễn cưỡng nhượng bộ trước sức ép của Mỹ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định rằng việc mua S-400 là “thỏa thuận đã xong” và nước ông không cần sự cho phép của bất kỳ ai để đạt được các thỏa thuận thiết yếu cho an ninh của mình.
Khi được hỏi về các cuộc đàm phán mua Patriot, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã nhắc lại rằng Ankara không có kế hoạch hủy bỏ thỏa thuận S-400 với Moscow.
“Việc mua S-400 là để đáp ứng nhu cầu an ninh khẩn cấp và ngắn hạn của nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để hệ thống này có thể được sử dụng độc lập và sẽ không gây phương hại cho các hệ thống F-35 và NATO.
Năm ngoái, Mỹ đã đe dọa trừng phạt Ấn Độ sau khi New Delhi ký thỏa thuận mua năm hệ thống S-400 của Nga trị giá 5,4 tỉ USD. Cũng có thông tin rằng Washington đã nói với New Delhi rằng việc trừng phạt có thể tránh được nếu Ấn Độ đồng ý “mở hầu bao” mua các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.