Giới quan sát cho rằng dù hệ thống phòng không S-400 giá rẻ hơn nhiều nhưng vẫn sở hữu sức mạnh không thua kém so với các hệ thống Patriot và hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Đây là một lý do quan trọng khiến “rồng lửa” của Nga “đắt hàng” hơn hệ thống của Washington.
Các bệ phóng tên lửa đất đối không S-400 Triumf xuất hiện trong lễ duyệt binh Ngày chiến thắng ở Moscow, Nga hôm 9-5. Ảnh: CNBC
Đài CNBC tuần trước dẫn nguồn tin quen thuộc với các báo cáo tình báo Mỹ cho hay có ít nhất 13 quốc gia, trong đó có cả đồng minh của Mỹ, đang quan tâm tới việc mua tổ hợp tên lửa phòng thủ đất đối không S-400 của Nga bất chấp Mỹ nhiều lần cảnh báo sẽ trừng phạt các nước mua hệ thống này.
Một trong những lý do đầu tiên để S-400 đắt hàng chính là giá thành. Giá của một tổ hợp S-400 vào khoảng 500 triệu USD, trong khi hệ thống Patriot Pac-2 có giá tới 1 tỉ USD và THAAD vào khoảng 3 tỉ USD, theo một số nguồn thạo tin về vũ khí Mỹ.
Theo CNBC, vũ khí Nga được cho là có giá cả cạnh tranh hơn hẳn so với vũ khí Mỹ, một phần lớn là vì trong các thương vụ mua sắm, Moscow thường không yêu cầu các đối tác phải mua thêm gói bảo trì mở rộng.
Hệ thống THAAD. Ảnh: PRESS TV
Lý giải về điều này, ông Andrew Hunter, chuyên gia tại trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (Mỹ) nói rằng: “Khi quân đội nước ngoài mua vũ khí Mỹ, ngoài khí tài, họ còn thiết lập quan hệ đối tác với quân đội Washington. Và gói hỗ trợ kỹ thuật và bảo trì sau khi mua sắm chính là nguyên nhân quan trọng tạo nên sự khác biệt về mặt giá cả”.
Lý do tiếp theo khiến các quốc gia muốn mua S-400 thay vì Patriot hay THAAD của Mỹ là nền quân đội nước ngoài e ngại quy trình phê duyệt mua vũ khí phức tạp từ chính phủ và Quốc hội Mỹ.
“Nhiều nước không muốn chờ đợi các rào cản pháp lý của Mỹ. S-400 có ít điều kiện hạn chế xuất khẩu hơn và điện Kremlin sẵn sàng đẩy nhanh tốc độ bán vũ khí bằng cách tháo gỡ các quy định pháp lý rườm rà” - nguồn tin cho biết.
Bên cạnh đó, một nguồn tin khác nói rằng Nga có thể dễ dàng bàn giao hệ thống vũ khí S-400 chỉ trong vòng hai năm đầu tiên sau khi ký hợp đồng, điều mà Mỹ gần như không thể thực hiện.
Hơn nữa, khi so sánh hệ thống S-400 của Nga với các hệ thống Mỹ, vũ khí do Moscow sản xuất có tầm tấn công xa hơn, mục tiêu đa dạng hơn và chống được số lượng nhiều hơn các mục tiêu bay tới cùng lúc.
Thậm chí giới chuyên gia nhận xét S-400 có thể làm "lu mờ" THAAD, hệ thống được coi là viên ngọc trong hệ thống phòng thủ Mỹ.
Hệ thống Patriot PAC-3 ở khu thử nghiệm tên lửa White Sands. Ảnh: Defense News
S-400 là phiên bản cải tiến của hai hệ thống phòng thủ của Nga là S-200 và S-300. Lần đầu trình làng vào năm 2007, S-400 được đánh giá là một trong những tổ hợp phòng không mạnh nhất thế giới cho tới nay.
Theo số liệu mà Nga cung cấp, S-400 Triumf có tầm “săn mồi” trong phạm vi 400 km, với mọi loại mục tiêu từ máy bay, phương tiện không người lái, các loại tên lửa ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa gần 17.300 km/giờ. Một tổ hợp S-400 được trang bị bốn loại tên lửa khác nhau, đủ sức tiến công tới 36 mục tiêu cùng lúc.
Còn về hệ thống Patriot của Mỹ, hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot được thiết kế để tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và chiến đấu cơ từ khoảng cách lên đến 70 km, có thể tiêu diệt các mục tiêu di chuyển với tốc độ gần 6.200 km/giờ.
Trong khi đó, THAAD là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). THAAD có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong phạm vi 150-200 km.