Tính đến ngày 29-8 (giờ địa phương), ít nhất 1.200 sinh viên và 166 nhân viên trường Đại học Alabama (bang Alabama, Mỹ) có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 sau khi xét nghiệm chuẩn bị tựu trường, theo tin từ đài ABC News.
Số xét nghiệm thực hiện trên các sinh viên đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi trường đại học này thực hiện truy vết COVID-19. Cũng như các cơ sở y tế ở bang Alabama, trường đã gắn một bảng thông báo số ca nhiễm, tỷ lệ dương tính, số người cách ly và khu vực cách ly để sinh viên và nhân viên nắm được tình hình.
Các nhân viên y tế đang tiến hành xét nghiệm cho sinh viên và nhân viên trường ĐH Alabama. ẢnhL AFP
"Số ca nhiễm tăng liên tục gần đây là một điều không thể chấp nhận được. Nếu không kiểm soát tốt, điều này có nguy cơ làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành học kỳ này của sinh viên trường” - ông Stuart Bell, Hiệu trưởng Đại học Alabama cho biết trong một cuộc họp báo.
"Bây giờ là lúc phải hành động” - ông nhấn mạnh.
Trước đó, các sinh viên đã chia sẻ trên mạng xã hội những bức ảnh họ tụ tập ở các quán bar đông người ở TP Tuscaloosa (bang Alabama). Phản ứng với việc này, Thị trưởng thành phố - ông Walt Maddox đã ban hành lệnh đóng cửa đối với tất cả các quán bar trong 14 ngày, từ ngày 24-8 đến ngày 8-9.
“Dựa trên các cuộc thảo luận của tôi với đại diện trường ĐH Alabama trong hai ngày qua, số ca nhiễm COVID-19 ngày càng gia tăng trong khuôn viên trường sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động ở TP Tuscaloosa" - ông Maddox nói tại cuộc họp báo hôm 23-8.
Trong khi nhiều trường đại học ở Mỹ đã chọn cách dạy học trực tuyến vì đại dịch, một số trường đại học và cao đẳng khác lại khuyến khích sinh viên đến trường, làm tăng nhanh các ca nhiễm bệnh.
Ngoài Đại học Alabama, Đại học Bắc Carolina (bang Bắc Carolina), Đại học Notre Dame (bang Indiana) và Đại học Central Florida (bang Florida) là ba trong số những trường có sự gia tăng đột biến về số lượng sinh viên và nhân viên trường nhiễm COVID-19.
Hiện tại, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm COVID-19 với hơn 6,1 triệu ca, trong đó có hơn 186.000 người đã tử vong vì đại dịch.