Ngoại trưởng Mỹ đã đến Malaysia vào thứ Năm (2-8), khởi động cho chuyến thăm năm ngày đến ba quốc gia Đông Nam Á gồm Malaysia, Singapore và Indonesia. Trước tiên, chuyến thăm nhằm tái khẳng định các cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực. Sau nữa, “thách thức kép” từ sự trỗi dậy của Trung Quốc (TQ) và vấn đề Triều Tiên đang diễn biến phức tạp. Chuyến thăm này là “hòn đá thử vàng” cho chính sách an ninh mới của Mỹ.
Thông điệp của Ngoại trưởng Mike Pompeo
Tại Đông Nam Á, Mỹ có các đồng minh chiến lược chủ chốt là Philippines và Thái Lan. Các đối tác an ninh của Mỹ là Singapore và Indonesia. Trong bối cảnh TQ gia tăng ảnh hưởng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo đã có sự mở rộng. Bên cạnh Singapore và Indonesia thì Malaysia được chú ý hơn. Quan điểm cứng rắn “không có gì phải sợ” của Thủ tướng Mahathir Mohamad trong cuộc phỏng vấn tháng 6 về láng giềng TQ là chỉ dấu cho chính sách đối ngoại thực dụng và linh hoạt hơn của Malaysia. Chuyến thăm của ông Pompeo có thể giúp Mỹ mở thêm một mặt trận an ninh tại khu vực.
Trước chuyến đi, ông Pompeo thông báo rằng Mỹ sẽ đầu tư 113 triệu USD vào công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng cho các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Kế hoạch này nhằm đối phó với sự quyết đoán và ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các hành vi xây dựng trái phép và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông khiến Mỹ quan ngại sâu sắc.
Hôm 28-7, Ngoại trưởng Pompeo cho biết các khoản đầu tư đại diện cho một khoản tiền trả trước về một kỷ nguyên mới trong cam kết kinh tế của Mỹ đối với hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cam kết này mang tính kết nối và hòa bình. Ông Pompeo khẳng định: “Mỹ sẽ không bao giờ tìm kiếm sự thống trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ phản đối bất kỳ quốc gia nào làm như vậy”. Đây rõ ràng là một tham chiếu đến tham vọng và các hành động quyết liệt của TQ.
Vấn đề Bắc Triều Tiên cũng là chủ đề thảo luận quan trọng. Ngoại trưởng Pompeo đang nỗ lực hỗ trợ các đồng minh của Mỹ duy trì lệnh trừng phạt lên Bắc Triều Tiên. Qua đó hy vọng Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Pompeo đang chịu áp lực phải tạo được thành tựu sau hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim vào tháng 6 tại Singapore. Ngoại trưởng Mỹ có thể thúc ép các quốc gia duy trì những biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng, nhắc nhở các quốc gia về nghĩa vụ của họ và việc phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đây là cách để ngăn ngừa và giảm thiểu khả năng bán nhiên liệu bất hợp pháp cho Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) bắt tay cùng người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho tại diễn đàn ASEAN. Ảnh: REUTERS
Viễn cảnh về an ninh khu vực
Chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo diễn ra trong bối cảnh hoài nghi sâu sắc đối với các chính sách Mỹ tại khu vực. Với chính sách an ninh mới, Mỹ sẽ học cách làm mới chính mình. Từ chuyến công du đến các đồng minh và đối tác mới tại Đông Nam Á, ngoại trưởng Mỹ sẽ nhận ra chính xác vai trò mà Mỹ sẽ đảm nhận trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù tầm nhìn này còn khá mơ hồ nhưng Ngoại trưởng Pompeo đang có cơ hội để bắt đầu xây dựng một chiến lược toàn diện hơn đối với khu vực Đông Nam Á. Một chiến lược mới cần bao gồm tầm quan trọng của Đông Nam Á, mục tiêu của Mỹ và cách thức Mỹ sử dụng để đạt được các mục tiêu đó.
Ngoại trưởng Pompeo có thể trấn an các quốc gia tiềm năng về những lo ngại xung quanh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Các quốc gia Đông Nam Á vốn dễ bị tổn thương trước nền kinh tế khổng lồ của TQ có thể an tâm để không phải đưa ra sự lựa chọn Mỹ hay TQ. Cũng qua đó Mỹ có thể cải thiện sự gắn kết trong khu vực - nền tảng tạo dựng một nhận thức chung về tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trọng tâm trong chính sách an ninh mới của Mỹ Bước ngoặt trong chính sách an ninh mới của Mỹ được phản ánh trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 và chiến lược quốc phòng 2018. Hai chiến lược đều đặt trọng tâm vào an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự trỗi dậy của TQ và sau đó là mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên được khẳng định nhiều lần. Trong các báo cáo, thuật ngữ “cạnh tranh” xuất hiện với tần suất “áp đảo” so với thuật ngữ “hợp tác”. Để đối phó với các thách thức thì mở rộng mạng lưới an ninh và đối tác là hai ưu tiên chiến lược. Hợp tác và kiềm chế trở thành những phương thức để đảm bảo an ninh khu vực. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở (Free and Open Indo-Pacific) là thuật ngữ thường xuyên được đề cập trong các diễn ngôn chính trị của các quan chức Nhà Trắng dưới chính quyền Trump. Trong đó Đông Nam Á giữ vai trò điểm nút chiến lược. |
___________________________
(*) Huỳnh Tâm Sáng là nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM.