Mỹ: Máy quét an ninh “lột trần” hành khách

Các nhân viên Công ty Sản xuất máy quét an ninh Rapiscan (Mỹ) bị cáo buộc đã lưu trữ hình ảnh trần trụi của hành khách khi bị “quét” tại sân bay. Xì-căng-đan trên nổ ra sau khi một số hình ảnh như vậy bị tung lên mạng. Theo kênh truyền hình Russia Today, điều này khiến hành khách và các tổ chức bảo vệ nhân quyền chĩa mũi dùi vào Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ. Phản ứng lại, cơ quan này tuyên bố Rapiscan đã qua mặt chính phủ Mỹ nhằm che đậy việc sử dụng các thiết bị bị cấm vào tháng 1-2013.

Mỹ: Máy quét an ninh “lột trần” hành khách ảnh 1

Hình ảnh của hành khách trên máy quét an ninh rõ ràng đến từng chi tiết thân thể Ảnh: RAPISCAN SYSTEMS

Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ xác nhận các hình ảnh trên máy quét an ninh do Rapiscan sản xuất đã “phơi bày” từng chi tiết thân thể của hành khách đi qua. Ngoài ra, theo website Washington Free Beacon, Rapiscan còn bị cáo buộc làm giả dữ liệu để qua mặt các cuộc kiểm tra công nghệ nhằm ngăn chặn máy quét toàn thân “xuyên thấu” hành khách. Thông tin này bị Rapiscan bác bỏ với lý lẽ chính phủ Mỹ hoàn toàn kiểm soát các cuộc thử nghiệm.

Lấy lý do Rapiscan không thể lập ra chương trình bảo vệ dữ liệu đáng tin cậy trong thời hạn quy định, Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ đã cắt đứt hợp tác. Không chỉ vậy, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn Rapiscan giành được các hợp đồng lớn khác.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, Rapiscan vẫn tham gia chạy đua giành hợp đồng cung cấp máy quét hành lý ở các sân bay Mỹ với giá trị lên đến hàng triệu USD. Ông Andrew Goldsmith, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị toàn cầu của công ty, từ chối bình luận về hợp đồng trên. Ông này nhấn mạnh: “Mọi người đều biết chúng tôi hạn chế tiết lộ thông tin về các cơ hội làm ăn của mình. Tuy nhiên, tôi khẳng định Rapiscan được phép cạnh tranh và chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hợp tác với chính phủ Mỹ”.

Được biết, Rapiscan là công ty con của OSI Systems Inc. do ông Deepak Chopra thành lập. Đáng chú ý là ông Chopra cùng chủ tịch công ty Ajay Mehra và phó chủ tịch Alan Edrick mỗi người đã đóng góp 2.300 USD cho cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Barack Obama năm 2008. Thêm vào đó, ông Chopra còn tháp tùng ông Obama trong chuyến đi Ấn Độ năm 2010 để xúc tiến quan hệ thương mại Mỹ - Ấn.

Theo Ngô Sinh (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm