Mỹ phẩm giá rẻ, đắt tiền gì cũng 'nát' mặt

Kem 900.000 đồng không có nguồn gốc

Do mặt đột nhiên xuất hiện vài mẩn đỏ kèm ngứa sau khi ngủ dậy. Chị TTS (22 tuổi, ở Tiền Giang) đã tự ra cửa hàng mua các loại mỹ phẩm mà được người bán giới thiệu là dùng rất tốt cho da, chữa hết ngứa, hết nổi mẩn đỏ, kèm dưỡng da, làm trắng da.

Hậu quả là sau hai tuần sử dụng liên tiếp, da mặt người bệnh bắt đầu xuất hiện các mụn nước, bóng nước li ti khắp mặt, tình trạng đỏ da kèm bỏng rát ngày càng tăng.

Chị S. đến phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng BV ĐH Y Dược thăm khám. Tại đây bác sĩ làm các xét nghiệm cần thiết và chỉ định cho người bệnh các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm đường uống, các thuốc dưỡng da… nhằm mục đích làm phục hồi tình trạng da ban đầu. Sau hai tuần điều trị liên tục với việc dùng các loại thuốc khác nhau, tình trạng da của người bệnh đã dần được cải thiện và trở về bình thường.

Nhiều tai biến do mỹ phẩm có thể dẫn đến chết người. Ảnh: HP

Tương tự chị S., chị ĐAT (25 tuổi, ở TP.HCM) đến khám trong tình trạng da nổi mẩn đỏ, bong vảy, kèm mụn ở mặt sau khi dùng kem thoa da không rõ loại.

Chị T. kể: “Trước giờ da mặt em không bị nổi mụn. Một hôm đột nhiên thấy trên mặt nổi vài mẩn đỏ, em lo sợ không biết bị gì nhưng ngại đến khám bác sĩ nên đã lên Google và Facebook tìm hiểu. Em vào các trang quảng cáo và được một trang mạng giới thiệu một loại kem với quảng cáo là bôi vào sẽ hết nổi mẩn đỏ, hết ngứa và có tác dụng dưỡng da, trắng mịn da, loại kem này không rõ xuất xứ và có giá 900.000 đồng/hộp.

Em đã đặt mua sử dụng và hậu quả sau khi bôi liên tục trong một tuần là không những không hết bệnh mà tình trạng càng nặng nề hơn với các triệu chứng như da đỏ, ngứa, cảm giác châm chích khắp mặt và đặc biệt là mụn nổi nhiều trên mặt”.

Chị T. đã được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc chống dị ứng, kháng sinh, kháng viêm cùng một số loại kem dưỡng nhằm ổn định lại tình trạng da, đồng thời được tư vấn để hiểu rõ hậu quả của việc tự ý điều trị với các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và không đúng cách.

Không được chủ quan

Theo BS Trần Thiên Tài, phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết chị em phụ nữ rất quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài, hầu như theo tâm lý chung ai cũng muốn mình luôn đẹp hơn trong mắt của người khác. Dù chỉ là một khuyết điểm nhỏ trên cơ thể cũng khiến họ cảm thấy không được hoàn hảo. Vì vậy làm đẹp, giữ gìn nhan sắc là việc làm hiển nhiên hằng ngày của các chị em. Tùy theo độ tuổi khác nhau mà phụ nữ có những quan tâm đến vấn đề làm đẹp khác nhau.

Cụ thể như các bạn thiếu nữ ở độ tuổi dậy thì sẽ đặc biệt quan tâm đến tình trạng mụn ở trên da; phụ nữ trung niên sẽ quan tâm đến vấn đề sạm da, lão hóa da. Vì vậy việc sử dụng nhiều loại mỹ phẩm để khắc phục các nhược điểm này luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.

BS Trần Thiên Tài thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: HP

Trong khi đó, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm phục vụ cho các mục đích chăm sóc da, dưỡng da, làm đẹp và cả dùng để điều trị bệnh. Tùy vào từng loại sản phẩm, mục đích sử dụng, hãng sản xuất mà có những thành phần riêng.

Nhìn chung, một số thành phần có thể gây kích ứng da, dị ứng da thường hiện diện trong các loại mỹ phẩm có thể kể đến như chất bảo quản (paraben, formaldehyde…), chất tạo màu, chất tạo mùi, retinol…

Riêng những loại mỹ phẩm “dỏm” không xuất xứ, không nhãn mác thì có thể có trộn thêm những thành phần rất độc hại cho da nếu sử dụng không đúng cách và trong thời gian dài (corticoide). Một vấn đề khác cần hiểu rõ hơn là tình trạng dị ứng còn phụ thuộc vào từng người, từng cá thể, thường gọi là “yếu tố cơ địa”, nghĩa là một sản phẩm A dùng cho người này thì không sao nhưng dùng cho người khác thì có thể gây dị ứng mà đây là những phản ứng không thể dự đoán trước được.

Đối với người bệnh, khi thấy da bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm sau khi sử dụng vài phút hoặc nhiều giờ, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện như ngứa, nổi mẩn đỏ, cảm giác châm chích, bỏng rát, sưng phù, nổi mụn, bóng nước, bong vảy da… phải ngưng sử dụng ngay lập tức, rửa sạch vùng da dùng mỹ phẩm nhằm hạn chế tác động, không sử dụng các loại mỹ phẩm khác (phấn trang điểm…), không sờ nặn, hạn chế tiếp xúc ánh nắng...

Khi được xử trí kịp thời, các triệu chứng sẽ thuyên giảm, nếu trường hợp diễn tiến nặng tăng dần cần đến khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng hoặc da liễu để có hướng điều trị tối ưu.

Trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào cần tìm hiểu kỹ xuất xứ, nguồn gốc, ưu tiên chọn lựa loại sản phẩm của những thương hiệu uy tín, chất lượng. Bên cạnh đó, các loại mỹ phẩm phải có đầy đủ nhãn mác, hạn sử dụng và thành phần được ghi rõ ràng để người dùng nắm rõ.

Tuyệt đối không nên tự ý dùng các loại mỹ phẩm không có đầy đủ các tiêu chuẩn kể trên hoặc dùng theo kiểu truyền miệng các loại sản phẩm gia truyền, tự bào chế mà chưa qua kiểm định. Trước khi sử dụng mỹ phẩm, cần thử trước các phản ứng kích ứng, dị ứng bằng cách thoa một lượng nhỏ trên vùng da mặt trong cẳng tay, chờ đợi một thời gian (vài giờ đồng hồ) xem có biểu hiện gì không rồi mới quyết định tiếp tục sử dụng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới