Ngày 17-11, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí phá dỡ 4 con đập thủy điện trên sông Klamath. Theo tờ The Guardian, đây sẽ là dự án phá dỡ đập thủy điện lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Việc dỡ bỏ các con đập sẽ cải thiện dòng chảy của sông Klamath - con sông chảy qua bang Oregon và bang California. Sông Klamath là con đường mà cá hồi Chinook, cá hồi Coho đi từ Thái Bình Dương đến khu vực sinh sản ở thượng nguồn và cũng là con đường cho cá hồi con đi ra biển.
Việc dỡ bỏ các con đập trên sông Klamath từ lâu đã là mục tiêu của một số bộ lạc bản địa. Tổ tiên của các bộ lạc này sống phụ thuộc vào việc săn bắt cá hồi trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, sự định cư của những người đến từ châu Âu và quá trình điện khí hóa ở Mỹ đã phá vỡ lối sống của họ.
Ông Joseph James, người đứng đầu bộ lạc Yurok, cho biết: “Cá hồi sống trên sông Klamath đang quay trở về nhà. Người dân đã giành được chiến thắng. Và cùng với chiến thắng này, chúng tôi hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với loài cá đã nuôi sống chúng tôi từ thuở sơ khai”.
Đập Iron Gate ở hạ lưu sông Klamath. Ảnh: AP. |
Biến đổi khí hậu và hạn hán cũng gây cản trở cho quá trình sinh trưởng của cá hồi. Theo đó, việc các dòng sông trở nên quá ấm và quá nhiều ký sinh trùng khiến nhiều loài cá không thể sống sót.
Trước khi quyết định của Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang Mỹ được đưa ra, công ty điện lực PacifiCorp - chủ đầu tư của các con đập - được yêu cầu phải bổ sung các thiết bị hỗ trợ cá hồi di cư qua các đập thủy điện. Tuy nhiên, công ty này sau đó đã quyết định ký một thỏa thuận với chính phủ liên bang và các bộ lạc để chấp nhận cho các con đập này ngừng hoạt động.
Ông Bob Gravely, phát ngôn viên của PacifiCorp, cho biết công ty này đang đóng góp khoảng 200 triệu USD cho việc dỡ bỏ các con đập. Bên cạnh đó, các cử tri bang California cũng đã thông qua dự luật trái phiếu để tiểu bang cung cấp thêm 250 triệu USD hỗ trợ hoạt động phá hủy các con đập.