Giải mã việc ông Zelensky thay đổi lập trường lãnh thổ Ukraine

(PLO)- Theo chuyên gia, Tổng thống Zelensky đang đi một nước cờ chính trị táo bạo khi bất ngờ thay đổi lập trường lãnh thổ và đề xuất rằng NATO cần cung cấp tư cách thành viên cho các khu vực mà Kiev đang kiểm soát.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đang leo thang nghiêm trọng ở chiến trường miền đông, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky tuần qua bất ngờ đưa ra đề xuất để chấm dứt “giai đoạn nóng” của cuộc chiến trong đó có nội dung thay đổi lập trường lãnh thổ Ukraine. Để làm được điều đó ông Zelensky kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp tư cách thành viên cho phần lãnh thổ mà Kiev đang kiểm soát.

Giới phân tích cho rằng việc ông Zelensky thay đổi lập trường lãnh thổ và đưa ra đề xuất trên là một một nước cờ chính trị của ông.

Chấm dứt ‘giai đoạn nóng’ cuộc chiến Nga-Ukraine

Ngày 29-11, ông Zelensky gợi ý rằng Kiev có thể “tạm thời từ bỏ” yêu sách lãnh thổ để đổi lấy “chiếc ô bảo vệ của NATO”. Ông Zelensky đưa ra câu trả lời trên khi được yêu cầu bình luận về các thông tin gần đây rằng một trong những kế hoạch chấm dứt xung đột Nga-Ukraine mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể đưa ra là buộc Kiev nhượng lại vùng đất mà Moscow đã kiểm soát để đổi lấy việc Ukraine gia nhập NATO.

“Nếu chúng ta muốn ngăn chặn giai đoạn nóng bỏng của cuộc chiến, chúng ta nên nhanh chóng đưa lãnh thổ Ukraine mà chúng tôi đang kiểm soát vào phạm vi bảo vệ của NATO” - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với đài Sky News liên quan việc thay đổi lập trường lãnh thổ.

Giải mã việc ông Zelensky thay đổi lập trường lãnh thổ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thay đổi lập trường lãnh thổ. Ảnh: AFP

Phát ngôn mới nhất của ông Zelensky về “chiếc ô NATO” cho thấy ông có thể chấp nhận sự bảo vệ của NATO tạm thời chỉ mở rộng đến lãnh thổ do Kiev kiểm soát, tức không bao gồm các khu vực Nga đang kiểm soát ở các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia.

Theo ông Zelensky, có được sự bảo vệ của NATO cho các phần lãnh thổ mà Kiev đang kiểm soát sẽ là bước đầu tiên, sau đó Ukraine có thể lấy lại các phần lãnh thổ khác bằng giải pháp ngoại giao.

Vị tổng thống Ukraine nói rằng một sự sắp xếp như vậy là cần thiết để đảm bảo Nga sẽ không tấn công Ukraine trong tương lai. “Nếu nói về lệnh ngừng bắn, chúng ta cần đảm bảo rằng [Tổng thống Nga Vladimir] Putin sẽ không quay trở lại” - ông Zelensky nói.

Truyền thông Ukraine và phương Tây cho rằng những phát biểu mới nhất của ông Zelensky thể hiện sự thay đổi đáng kể trong lập trường của nhà lãnh đạo này.

Trước đó, ông Zelensky từng khẳng định rằng bất kỳ lời đề nghị nào về việc Ukraine gia nhập NATO phải bao gồm toàn bộ lãnh thổ được quốc tế thừa nhận của Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng từng nhấn mạnh rằng các gợi ý về việc một phần Ukraine gia nhập NATO là “vô nghĩa” và Ukraine “sẽ không bao giờ đổi lãnh thổ để lấy bất kỳ vị thế nào”.

Chính quyền Kiev cũng tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu với Nga cho đến khi Ukraine được trả lại biên giới được quốc tế công nhận, bao gồm 4 khu vực mà Moscow sáp nhập vào năm 2022, cũng như bán đảo Crimea.

Nước cờ chính trị?

Các chuyên gia cho rằng việc ông Zelensky thay đổi lập trường lãnh thổ là sự tính toán dựa trên tình hình thực tế.

Thời gian gần đây, Nga đã đe dọa tấn công các tòa nhà "ra quyết định chính sách" ở Kiev và tiến hành một cuộc tấn công trên không lớn vào các hạ tầng năng lượng của Ukraine với lý do đáp trả việc Kiev bắn vũ khí tầm xa do Mỹ và Anh cung cấp vào lãnh thổ Nga.

Moscow cũng được cho là đang tăng cường tiến quân ở phía đông Ukraine để giành lợi thế trên bàn đàm phán trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025.

Bên cạnh đó, các nhân vật cấp cao Ukraine, bao gồm ông Valerii Zaluzhnyi - Đại sứ Ukraine tại Anh và là cựu Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, đã công khai gợi ý rằng việc Ukraine muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ có thể không còn khả thi trong ngắn hạn do mức độ ủng hộ hiện tại của phương Tây.

giai-ma-viec-ong-zelensky-thay-doi-lap-truong-ve-lanh-tho (1).jpg
Ông Donald Trump (phải) tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại tòa nhà Trump Tower, TP New York (Mỹ) hồi tháng 9. Ảnh: EPA-EFE

“Ông Zelensky đang chơi một trò chơi rất tinh vi. Ông ấy biết rằng ông Trump sắp nhắm vào Ukraine và Nga nên ông ấy chuẩn bị sẵn điều gì đó để đưa ra làm đề xuất với ông Trump” - ông Tony Brenton, cựu đại sứ Anh tại Nga, nhận định với tờ The Independent.

“Điều mà ông Zelensky đang đề xuất là tiến gần hơn tới mục tiêu rõ ràng: đóng băng giao tranh ở vị trí hiện tại, sau đó tiến hành đàm phán về việc bên nào giữ phần lãnh thổ nào, và đảm bảo các cam kết an ninh cho Ukraine trong quá trình ngừng bắn” - ông Brenton nói thêm.

Đồng quan điểm, TS sử học Mark Galeotti cho rằng những bình luận của ông Zelensky một phần có thể phản ánh “thực tế chính trị và quân sự đang diễn ra, khi Nga tiếp tục tiến quân và cái bóng của ông Trump bao trùm mọi thứ”.

“Nhưng tôi nghĩ đó cũng có thể là nỗ lực của ông Zelensky nhằm thử thách quyết tâm của phương Tây. Thực sự thì để khiến toàn bộ 32 thành viên NATO đồng ý nhanh chóng về việc Ukraine gia nhập là điều rất khó, nhưng ông Zelensky đang đặt cho NATO câu hỏi: ‘Nếu không có sự đảm bảo an ninh từ Điều 5, thì còn giải pháp nào khác?’” - TS Galeotti nêu quan điểm.

Còn cựu đại diện của Anh tại NATO - ông Adam Thomson thì cho rằng ông Zelensky dường như đang chuẩn bị cho người dân Ukraine về những sự thỏa hiệp, đồng thời “thực hiện các bước đi đầu tiên” trong cuộc đàm phán kéo dài với ông Trump.

“Ông [Zelesnky] đang đưa Ukraine tới một vị thế thực tế hơn” - ông Thomson nhận định, lưu ý rằng khoảng 3/4 thành viên NATO tin rằng việc Kiev gia nhập liên minh “sẽ là kết quả ít tệ nhất, tức là ít tốn kém nhất và ổn định nhất”.

Dù vậy, một số nhà phân tích quân sự cảnh báo rằng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ vô cùng khó khăn và tuyên bố của ông Zelensky có thể bị phía Nga coi là sự nhượng bộ.

“Đó thực sự là một sự nhượng bộ khá lớn. Nga có thể diễn giải những phát biểu này là dấu hiệu cho thấy Ukraine đang chịu áp lực, và Moscow có thể tìm cách gia tăng sức ép để đạt lợi thế lớn hơn” - theo cựu Đại sứ Brenton.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia James Nixey tại Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) cảnh báo rằng Nga sẽ không đồng ý việc bất kỳ bộ phận lãnh thổ nào của Ukraine gia nhập NATO.

“Tổng thống Putin không muốn có bất kỳ sự tạm dừng nào. Ông ấy tin rằng Nga đang trên đà đạt được một chiến thắng lịch sử và mang tính chiến lược, được củng cố nhờ vai trò của ông Trump” - ông Nixey nói với Sky News.

REUTERS: Ukraine yêu cầu NATO gửi lời mời Kiev gia nhập liên minh

Ngày 29-11, Ngoại trưởng Ukraine - ông Andrii Sybiha đã thúc giục NATO gửi lời mời Kiev gia nhập liên minh quân sự này, hãng tin Reuters dẫn một bức thư được cho là do ông Sybiha gửi đến các nước thành viên NATO.

Bức thư viết rằng việc Ukraine gia nhập NATO là một phần trong “kế hoạch chiến thắng” được Tổng thống Zelensky vạch ra nhằm chấm dứt xung đột.

“Lời mời này không nên bị coi là hành động leo thang căng thẳng. Ngược lại, việc Ukraine gia nhập NATO là điều tất yếu, Nga sẽ mất đi một trong những lý lẽ chính để tiếp tục cuộc chiến phi lý này” - theo bức thư.

“Tôi kêu gọi các bạn ủng hộ quyết định mời Ukraine gia nhập liên minh như một trong những kết quả của Hội nghị Ngoại trưởng NATO vào ngày 3 và 4-12” - ông Sybiha viết trong thư.

Nga chưa bình luận về thông tin trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm