Ngày 2-12, Mỹ tung đòn trừng phạt thứ ba trong vòng 3 năm qua đối với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, gồm áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 140 công ty của Bắc Kinh, cùng với các biện pháp bổ sung khác, theo hãng tin Reuters.
Các biện pháp này nhằm kìm hãm tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc, bao gồm kiểm soát xuất khẩu chip nhớ tiên tiến, các thiết bị sản xuất chip quan trọng, và siết chặt việc xuất khẩu thiết bị từ các nước thứ ba.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh rằng động thái này nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát triển ngành sản xuất bán dẫn trong nước để phục vụ quá trình hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh.
Các công ty bán dẫn của Mỹ như Lam Research, KLA, và Applied Materials, cũng như các công ty quốc tế như ASM International của Hà Lan, dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát trên.
Trong khi đó, gần 20 công ty bán dẫn, 2 công ty đầu tư, và hơn 100 nhà sản xuất thiết bị chip Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách hạn chế, chẳng hạn như Swaysure Technology, Si'En Qingdao, và Shenzhen Pensun Technology.
Washington cấm các nhà cung cấp Mỹ giao hàng cho các công ty nói trên nếu không có giấy phép đặc biệt để giao dịch.
Đây được xem là một trong những nỗ lực quy mô lớn cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận và sản xuất các loại chip mà Washington cho rằng có thể hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ mục đích quân sự của Bắc Kinh hoặc đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, theo Reuters.
Đáp trả động thái từ Mỹ, ngày 2-12, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát mới của Mỹ đối với xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc, đồng thời gọi đây là hành vi cưỡng ép kinh tế và phi thị trường điển hình, theo tờ China Daily.
"Mỹ nói một đằng làm một nẻo, liên tục thổi phồng khái niệm 'an ninh quốc gia', lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và tiến hành các hành vi bắt nạt đơn phương" - theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng chỉ ra rằng ngành công nghiệp bán dẫn có tính toàn cầu hóa cao.
“Việc Mỹ lạm dụng các biện pháp quản lý không chỉ cản trở nghiêm trọng các hoạt động thương mại và kinh tế bình thường giữa các quốc gia, mà còn làm suy yếu các quy tắc thị trường, phá vỡ trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, đồng thời gây nguy hiểm lớn đến sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu” - tuyên bố có đoạn.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định rằng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, bao gồm các công ty Mỹ, sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các biện pháp này.
“Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình” - Bộ này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cũng nói rằng động thái của Mỹ làm suy yếu trật tự thương mại kinh tế quốc tế và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty của mình” - ông Lâm nói.