Mỹ, Philippines ký thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt

(PLO)- Mỹ và Philippines ký thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt, cho phép Washington xuất khẩu công nghệ, vật liệu, thiết bị và thông tin hạt nhân sang Manila.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-11, Mỹ và Philippines ký thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt cho phép Washington xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân sang Manila, theo hãng tin Reuters.

Mỹ và Philippines ký thỏa thuận hạt nhân

Hai nước ký kết thỏa thuận trên, với tên gọi Thỏa thuận 123, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại TP San Francisco (Mỹ). Mỹ và Philippines bắt đầu đàm phán Thỏa thuận 123 từ tháng 11-2022.

Mỹ và Philippines ký thỏa thuận hạt nhân
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Philippines Raphael Lotilla (trái, ngồi) ký thỏa thuận hạt nhân (Thỏa thuận 123) tại TP San Francisco (Mỹ) hôm 17-11. Ảnh: AFP

“Mỹ có thể chia sẻ thiết bị và vật liệu với Philippines trong bối cảnh Manila nỗ lực phát triển các lò phản ứng và cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân dân sự khác” - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hạt nhân.

“Chúng tôi nhận thấy năng lượng hạt nhân sẽ trở thành một phần trong cơ cấu năng lượng của Philippines vào năm 2032 và chúng tôi rất vui mừng khi theo đuổi con đường này với Mỹ" - Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr nói tại lễ ký thỏa thuận hạt nhân.

“Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực mà chúng tôi có thể chứng minh rằng liên minh và quan hệ đối tác Philippines-Mỹ thực sự hiệu quả” - ông Marcos nói thêm.

Thỏa thuận hạt nhân trên sẽ cho phép chuyển giao công nghệ, vật liệu, thiết bị và thông tin hạt nhân một cách hòa bình, tuân thủ các yêu cầu không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên để đi vào hiệu lực, thỏa thuận cần được quốc hội Mỹ thông qua.

Philippines nỗ lực tăng cường an ninh năng lượng

Theo Reuters, Philippines muốn khai thác năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng phụ tải cơ bản thay thế khi nước này tìm cách ngừng hoạt động các nhà máy than để giúp đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng.

Quốc gia Đông Nam Á này dễ bị ảnh hưởng khi giá dầu toàn cầu biến động, vì tình trạng mất điện theo mùa và giá điện cao.

Những nỗ lực trước đây của Philippines nhằm theo đuổi năng lượng hạt nhân đã bị dừng lại do lo ngại về an toàn.

Ông Marcos đang thảo luận về khả năng hồi sinh nhà máy điện hạt nhân Bataan, đi vào hoạt động năm 1984 nhưng bị đóng cửa 2 năm sau đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm