Tờ South China Morning Post cho hay, trong khi Washington và Manila đang hợp tác để ngăn chặn việc Bắc Kinh "quân sự hóa" quần đảo tranh chấp, liên minh quân sự này đã không thể đạt thỏa thuận vì Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) có thể quá đắt đỏ.
Theo trang Insider, hệ thống tên lửa Lockheed Martin sẽ có thể phóng các tên lửa dẫn đường chính xác, tầm xa, tấn công vào sự hiện diện trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ quốc phòng Philippines đã được phân bổ ngân sách trị giá 3,6 tỷ USD trong năm 2019, tăng 34% so với năm trước, mặc dù con số này rất mờ nhạt so với ngân sách quốc phòng khổng lồ 686 tỷ USD của Mỹ trong năm 2019.
Hôm 1-4, Lầu Năm Góc đã đảm bảo "liên minh bền vững" giữa Mỹ và Philippines và đồng ý về nhu cầu "tăng khả năng tương tác" giữa quân đội hai nước. Hồi tháng Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết bất kỳ cuộc tấn công nào vào máy bay hoặc tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ phải nhận sự đáp trả từ Mỹ.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cặp cảng ở Philippines. Ảnh: AP
Trung Quốc đã và đang tăng cường sự hiện diện quân sự phi pháp trên Biển Đông, một trong những tuyến đường hàng hải nhộp nhịp nhất trên thế giới trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bắc Kinh đã bồi lắp đảo nhân tạo phi pháp với tổng diện tích hơn 11,74 km² kể từ năm 2013.
Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hoạt động phi pháp gia tăng trên một số rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, bao gồm các sân bay trực thăng, đường bay và các cấu trúc radar, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ.
Hôm 1-4, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ đã tiến hành phản đối ngoại giao về sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ. Đây là đảo nằm trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng do phía Philippines đang kiểm soát trái phép.
Việt Nam luôn kiên định lập trường về chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và kêu gọi các bên hữu quan giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.