Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào năm 2019, hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược New START (còn gọi là START-3) ký kết năm 2011 là thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất có hiệu lực giữa Moscow và Washington. Tuy nhiên, hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào đầu năm 2021.
Nga muốn đưa Anh-Pháp vào New START
Theo đài RT, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí - ông Marshall Billingslea cho biết phía Mỹ mong muốn gia hạn hiệp ước START-3 thêm một khoảng thời gian dưới năm năm. Thỏa thuận gia hạn mới này chỉ nên ký kết dưới hình thức biên bản ghi nhớ thay vì một hiệp ước mang tính ràng buộc – ông Billingslea trả lời phỏng vấn nhật báo Kommersant (Nga) vào ngày 20-9.
Ông Marshall Billingslea (đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí) trong một buổi phát biểu - Ảnh: ATLANTIC COUNCIL
Tuy nhiên, Washington có kèm theo một số điều kiện bổ sung trong thỏa thuận mới, trong đó có yêu cầu Trung Quốc phải là một bên trong hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược. Về lý thuyết, phía Nga không phản đối yêu cầu này, chỉ nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc tham gia thì cả Anh và Pháp cũng phải tham gia hiệp ước.
“Chúng tôi nghĩ cần phải đề cập cụ thể đến sự tham gia của Trung Quốc. Quan điểm của chúng tôi là khi nói về một hiệp ước kiểm soát vũ khí trong tương lai, thì đó nên là một hiệp ước ba bên" - ông Billingsea nói với Kommersant.
Ông Billingsea cũng đảm bảo Washington sẽ không để Anh và Pháp đứng ngoài thỏa thuận, vì cả hai nước này trước giờ đều không “tích cực phát triển” kho vũ khí hạt nhân của họ ở quy mô tương tự như Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Billingsea cũng đưa ra cảnh báo trong trường hợp phía Nga từ chối các yêu cầu mới: “Nếu phía Nga không chấp thuận thì 'phí vào cửa', như cách nói của người Mỹ chúng tôi, sẽ tăng lên ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử".
Trầm trọng hơn, ông Billingsea nhấn mạnh rằng: phía Mỹ sẽ chủ động rút khỏi hiệp ước và thúc đẩy hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình nếu không đạt được thỏa thuận trước khi hiệp ước START-3 hết hiệu lực. Ông còn cáo buộc: “Trong khi phía Nga đã hoàn thành phần lớn việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình thì chúng tôi chỉ mới bắt đầu tiến trình này”.
Về phần mình, Bắc Kinh đã từ chối đàm phán tham gia một hiệp ước START-3.
Mỹ muốn Nga thôi yêu cầu NATO giới hạn vũ khí ở châu Âu
Ở một khía cạnh khác, về điều kiện của Nga yêu cầu Mỹ thu hẹp quy mô kho vũ khí hạt nhân của NATO ở châu Âu, ông Billingsea cho rằng đây là điều không nên làm. Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng trao đổi với Nga về NATO cũng như các điều kiện đảm bảo răn đe hạt nhân. Nhưng chúng tôi sẽ không thu hồi vũ khí hạt nhân ra khỏi bất kỳ địa điểm lưu trữ nào."
Một số điểm đáng chú ý còn lại bao gồm vấn đề tên lửa chiến thuật mà các quan chức Nga đã từ chối thảo luận trước đây và việc phía Nga muốn thanh sát vũ khí chiến thuật của Mỹ. Về các điểm này, ông Billingsea khẳng định phía Mỹ "chắc chắn sẽ thảo luận" với Moscow.
Trên thực tế, các chương trình hiện đại hóa vũ khí của Nga chỉ được thực hiện sau khi chính phủ Mỹ từ bỏ các hiệp ước kiểm soát vũ khí tương ứng. Đơn cử như việc Nga trở thành nước tiên phong phát triển vũ khí siêu thanh ngay sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM – ký năm 1972) vào năm 2002. “Nga phát triển vũ khí siêu thanh là nhu cầu phòng vệ tất yếu nhằm ứng phó với tiến trình xây dựng lá chắn tên lửa đạn đạo ở châu Âu của Mỹ - một hệ thống có khả năng vô hiệu hóa mọi tiềm năng hạt nhân của Nga trong tương lai” - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 19-9.
Mỹ thử nghiệm tên lửa đạn đạo vào tháng 12-2019 ngay sau khi rút khỏi Hiệp ước INF - Ảnh: WSJ
Tương tự, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp ước INF (ký năm 1987) vào năm ngoái đã loại bỏ một giới hạn quan trọng trong cuộc chạy đua vũ trang lịch sử giữa Mỹ và Nga, khiến cho châu Âu có thể bị bao phủ bởi hệ thống tên lửa tầm trung của Nga trong khi Nga tiếp tục bị uy hiếp bởi các tên lửa của Mỹ vốn bị INF hạn chế.
Việc ông Trump vừa rút khỏi hiệp ước INF vừa không ngần ngại tiến hành cùng lúc các thử nghiệm tấn công bằng tên lửa tầm trung, đã khiến thế giới “chỉ còn một bước nữa là nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang không thể kiểm soát” - ông Dmitry Polyanskiy, Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, cho biết vào thời điểm đó.
Trong khi Điện Kremlin vẫn chưa đưa ra bình luận nào về lời đề nghị của ông Billingsea, dư luận trong chính giới Nga đã đánh giá các yêu cầu của Mỹ là "thái quá" và khả năng cao sẽ không được đón nhận ở Moscow.
“Không ai hành động theo kiểu này nếu như họ muốn đạt được kết quả cụ thể" - theo thượng nghị sĩ Oleg Morozov từ Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Nga.
Ông Morozov cũng nhắc lại rằng Moscow quan tâm đến việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng khuyên Washington cần phải thay đổi giọng điệu của họ trước khi muốn đề nghị Nga xem xét bất kỳ điều gì.