Ngày 9-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tiếp tục lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán cùng với Mỹ và Nga về kiểm soát vũ khí.
"Mỹ hoan nghênh các cam kết tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí của Trung Quốc. Do đó, cần tiến hành những bước đi thận trọng tiếp theo bao gồm cả các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc" - kênh Channel News Asia dẫn lời bà Ortagus nói.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang yêu cầu Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán vè một thoả thuận có thể kế thừa hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mà phía Mỹ gọi là New START.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: AP
Đây là văn kiện từng giúp kiểm soát số lượng đầu đạn hạt nhân của các siêu cường trong thời Chiến tranh Lạnh, và sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021.
Mặc dù không dự các cuộc đàm phán khởi động giữa Mỹ và Nga tại Vienna (Áo) vào tháng 6, nhưng phía Trung Quốc cho biết sẽ sẵn lòng tham gia với điều kiện phía Mỹ phải giải trừ kho vũ khí chiến lược xuống quy mô ngang với nước này.
Ông Phó Thông, Vụ trưởng Vụ giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc phía Mỹ đang toan tính để danh chính ngôn thuận rời khỏi Hiệp ước New START, qua đó xoá bỏ rào cản vốn ngăn chặn một cuôc chạy đua hạt nhân mới mà Mỹ được cho là đang có lợi thế.
Tuy nhiên, đặc phái viên của Tổng thống Trump về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea cho rằng phía Mỹ cảm thấy một hiệp ước kiểm soát vũ khí chỉ có Mỹ và Nga là không đủ trong bối cảnh hiện nay, do đó cần gửi một lời mời đến một cường quốc hạt nhân khác là Trung Quốc.
"Những quan điểm và mục tiêu khác nhau sẽ được mang đến bàn đàm phán nên chắc chắn bất đồng là không thể tránh khỏi," ông Ortagus nói. "Nhưng đã đến lúc cả siêu cường về hạt nhân cần đối thoại với nhau về cách ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới" - ông Billingslea nói.
Tại Vienna hồi tháng 6, Mỹ đã nêu bật sự vắng mặt của Trung Quốc khi công bố một bức ảnh có trương cờ của ba quốc gia trong một căn phòng trống. Bắc Kinh đã phẫn nộ gọi bức ảnh là một trò mạo danh vì họ chưa từng đồng ý tham gia.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm 8-7 nói rằng Trung Quốc "rõ ràng" vẫn chưa sẵn sàng. Mặc dù không phản đối vai trò của Bắc Kinh trong đàm phán kiểm soát vũ khí chiến lược nhưng Moscow sẽ không ép buộc cường quốc châu Á này tham gia theo ý Mỹ.
"Nga đã sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào liên quan đến hiệp ước START mới và sẽ không cứu hiệp ước này bằng mọi giá, đặc biệt sẽ không theo cái cách mà phía Mỹ quyết phải làm" - ông Antonov phát biểu ở Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia (Center for the National Interest, Mỹ).
Ông cũng nhắc lại lời mời từ Nga đến các cường quốc hạt nhân đồng minh của Mỹ là Pháp và Anh cùng tham gia cuộc đàm phán nếu Trung Quốc đồng ý nhập cuộc. Tuy nhiên, ông lại quan ngại về tác động sâu xa của kịch bản Trung Quốc trở thành một bên tham gia New START.
Rõ ràng, nếu Mỹ và Nga đều không giảm kho vũ khí chiến lược của họ, thì một hiệp ước trong tương lai sẽ cho phép Trung Quốc được sở hữu kho vũ khí ngang hàng với hai nước kia.
Do đó, câu hỏi dành cho những ai đang ủng hộ mời Trung Quốc đàm phán lúc này chính là liệu Nga và Mỹ đã sẵn sàng giải trừ kho đầu đạn và tên lửa chiến lược xuống số lượng ngang bằng với Trung Quốc hay chưa, theo ông Antonov.
Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), Nga hiện sở hữu 6.375 đầu đạn hạt nhân, trong khi của Mỹ chỉ có 5.800.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh:GOV.CN
Trung Quốc tuy xếp thứ ba nhưng con số lại quá cách biệt với chỉ 320 đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc ra sức tăng cường sức mạnh quân sự cả về chất và lượng nhưng lại không muốn minh bạch thông tin đã buộc chính quyền ông Trump phải đưa ra lời mời nhằm ràng buộc trách nhiệm cường quốc của Trung Quốc.
Trong khi phía Nga, cũng như một số nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ, chỉ đơn giản mong muốn gia hạn hiệu lực của hiệp ước New START.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 10-7 đã từ chối lời mời của Mỹ, thậm chí còn phàn nàn rằng Washington đã "không nghiêm túc và chân thành" khi tiếp tục "làm phiền" Bắc Kinh về vấn đề này.