Mỹ sẽ triển khai 2.500 quân ở Úc

Giữa lúc đang căng thẳng với Trung Quốc và Nga, tuần trước Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Úc  về chia sẻ chi phí sử dụng căn cứ của Úc trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Báo The Australian (Úc) đưa tin ngày 6-10 tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter đã nhất trí về nguyên tắc hai nước sẽ chia sẻ chi phí nhằm bảo đảm triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Úc.

Trong chuyến thăm Mỹ, bà Marise Payne đã tiếp xúc với các quan chức quốc phòng Mỹ để thảo luận về quan hệ quốc phòng, an ninh và ổn định khu vực.

Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Úc Christopher Pyne cũng đã thảo luận với Lầu Năm Góc về mua sắm thiết bị quốc phòng.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Marise Payne từ chối tiết lộ chi tiết thỏa thuận hai bên vừa đạt được. Bà tuyên bố thỏa thuận này là tài liệu mật.

Bà chỉ nói dự kiến chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ở miền Bắc Úc để quân đội Mỹ triển khai có thể lên đến hơn 1,5 tỉ USD và hai chính phủ Mỹ và Úc sẽ chia sẻ chi phí thường xuyên hằng năm trong thời gian 25 năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đón người đồng cấp Úc Marise Payne(giữa) và  Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Úc Christopher Pyne. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công bố thông cáo báo chí khen ngợi Mỹ và Úc “đã kết thúc đàm phán về chia sẻ chi phí đối với các sáng kiến đang thực hiện ở miền Bắc Úc”.

Báo The Australian ghi nhận chính phủ của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã nhất trí chia sẻ kinh phí với Mỹ để hiện đại hóa căn cứ ở Darwin và những nơi khác để tiếp đón khoảng một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ triển khai.

Báo nhận định Mỹ điều động máy bay ném bom tầm xa và 2.500 binh sĩ Mỹ đến miền Bắc Úc bởi Mỹ xem Úc cùng với Nhật, Hàn Quốc và đảo Guam là các căn cứ chủ yếu trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ đã chuẩn bị cho kịch bản tấn công không quân và tên lửa, đồng thời phong tỏa tuyến hàng hải qua Đông Nam Á.

Sự kiện Mỹ đạt được thỏa thuận về chia sẻ chi phí sử dụng căn cứ của Úc diễn ra vào lúc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa chấm dứt tập trận chung với Mỹ ở biển Đông.

Ông Duterte cũng đòi xem xét lại thỏa thuận cho phép Mỹ sử dụng căn cứ của Philippines đã ký dưới thời Tổng thống Benigno Aquino.

Theo nhận định của báo The Australian, Lầu Năm Góc đã nóng lòng ký kết thỏa thuận với Úc trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ.

Nguyên nhân là nếu ứng cử viên Donald Trump đắc cử, chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương có nguy cơ bị hủy bỏ, quân đội Mỹ có thể rút khỏi khu vực hoặc Úc sẽ phải trả toàn bộ chi phí triển khai quân đội Mỹ.

Thỏa thuận Mỹ-Úc nêu trên đã được chính phủ của Thủ tướng Julia Gillard dàn xếp năm 2011. Sau đó, trong chuyến thăm Úc, Tổng thống Obama đã ký kết thỏa thuận.

Phát biểu tại Quốc hội Úc, ông Obama đã chính thức thông báo Mỹ xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương.

Đối với Mỹ, kế hoạch triển khai quân đến Úc nhằm phục vụ cho phương án dài hạn về bố trí quân ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là bố trí quân từ hai đảo Okinawa và Guam.

Báo Sydney Morning Herald (Úc) ngày 7-10 đưa tin người phát ngôn về quốc phòng của Công đảng (đối lập) Richard Marles tuyên bố hải quân và không quân Úc phải được toàn quyền hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông, kể cả trong 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép. Ông cảnh báo Trung Quốc không được tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Trong khi đó, cựu Đại sứ Úc tại Mỹ Kim Beazley tuyên bố Úc có quyền lịch sử để hoạt động ở biển Đông và tiến hành tự do hàng hải trong khu vực.

_____________________________________

1.250 là số quân Mỹ hiện nay được triển khai đến căn cứ Darwin (Úc). Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne khẳng định quân số này sẽ được tăng lên 2.500 quân từ nay đến năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm