Mỹ trừng phạt mạng lưới hỗ trợ tài chính cho Houthis

(PLO)- Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt lên 1 cá nhân và 3 cơ sở chuyển tiền ở Yemen và Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc các thực thể này đã giúp chuyển hàng triệu USD cho nhóm vũ trang Houthis.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-12, Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với một mạng lưới chuyển tiền ở Yemen và Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc hỗ trợ tài chính cho nhóm vũ trang Houthis (Yemen), theo hãng tin AFP.

Cụ thể, lệnh trừng phạt mới trên của Bộ Tài chính Mỹ nhắm vào người đứng đầu một công ty trung gian tài chính ở thủ đô Sana'a (Yemen) và 3 cơ sở chuyển tiền ở Yemen và Thổ Nhĩ Kỳ.

houthis-trung-phat-2899.jpeg
Trực thăng quân sự của lực lượng Houthis bay trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ hồi tháng 11. Ảnh: REUTERS

Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc các thực thể trên đã giúp chuyển hàng triệu USD cho nhóm Houthis theo chỉ đạo của nhà tài phiệt người Iran tên là Sa'id al-Jamal. Người này bị Mỹ trừng phạt từ năm 2021.

Biện pháp trừng phạt mới này sẽ đóng băng tài sản ở Mỹ của các thực thể nêu trên và cấm những thực thể này làm ăn với người Mỹ.

Ông Brian E Nelson - Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính - cho biết động thái trên “nhấn mạnh quyết tâm của chúng tôi trong việc hạn chế dòng tiền bất hợp pháp tới Houthis - lực lượng tiến hành các cuộc tấn công nguy hiểm vào vận tải biển quốc tế và có nguy cơ gây bất ổn thêm cho khu vực".

Ông Nelsons cho biết Mỹ và các đồng minh “sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các mạng lưới hỗ trợ quan trọng tạo điều kiện cho các hoạt động gây bất ổn của nhóm Houthis và những người ủng hộ nhóm này ở Iran”.

Phía Houthis chưa đưa ra bình luận về lệnh trừng phạt mới trên của Mỹ.

Đồng minh Mỹ không sẵn sàng gia nhập lực lượng đặc nhiệm ở Biển Đỏ?

Theo giới chuyên gia, một tuần sau khi Mỹ tuyên bố thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân đa quốc gia ở Biển Đỏ, các đồng của Mỹ vẫn tỏ ra miễn cưỡng trong việc gia nhập lực lượng này, hãng tin Reuters đưa tin.

Lầu Năm Góc cho biết lực lượng này là một liên minh phòng thủ gồm hơn 20 quốc gia nhằm đảm bảo dòng thương mại trị giá hàng tỉ USD trên Biển Đỏ. Tuy nhiên cho đến nay Mỹ chỉ mới công bố tên của 12 quốc gia.

Mới đây, Ý và Tây Ban Nha phủ nhận sự tham gia của 2 nước này trong liên minh an ninh Biển Đỏ do Mỹ dẫn đầu.

GS quan hệ quốc tế David Hernandez tại ĐH Complutense (Tây Ban Nha) cho rằng các chính phủ châu Âu lo ngại việc gia nhập liên minh trên sẽ khiến các cử tri quay lưng lại với họ, lưu ý rằng công dân ở châu Âu đang cảnh giác với việc bị lôi kéo vào một cuộc xung đột.

Các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố không quan tâm liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu.

Dù các nước đồng minh Mỹ miễn cưỡng tham gia liên minh an ninh Biển Đỏ nhưng giới chuyên gia cho rằng vẫn có nhiều cơ chế để các nước này phối hợp với Washington tại khu vực.

Trên thực tế, nhiều quốc gia châu Âu và vùng Vịnh đã tham gia một trong số các nhóm quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Trung Đông, bao gồm Lực lượng Hàng hải Liên hợp (CMF). Điều này cho phép các đồng minh Mỹ không chính thức gia nhập lực lượng đặc nhiệm Biển Đỏ vẫn có thể phối hợp tuần tra với Hải quân Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm