Mỹ và hành trình 20 năm xóa sổ vũ khí hóa học

(PLO)- Phải mất hơn 20 năm, Mỹ mới tiêu hủy hết tất cả vũ khí hóa học của mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào cuối tháng 6, trong một căn phòng kín tại kho hóa chất Pueblo ở bang Colorado (Mỹ), các cánh tay robot bận rộn làm việc để vô hiệu hóa các vũ khí hóa học. Phía trước trước căn phòng là một đội bảo vệ có vũ trang và 3 hàng dây thép gai cao.

Một trong những vũ khí tại đây là loại đạn pháo chứa đầy khí mù tạt, được quân đội Mỹ cất giữ trong suốt 70 năm qua. Để phá hủy loại vũ khí này, các cánh tay robot phải chọc thủng vỏ đạn, làm khô, rửa sạch từng vỏ rồi đem nung chúng ở nhiệt độ hơn 800 độ C. Những mảnh vỏ đạn này sau đó được đưa ra ngoài, rời khỏi băng chuyền và rơi xuống một thùng rác màu nâu với âm thanh lạch cạch vang dội.

“Đó là âm thanh của vũ khí hóa học đang bị xóa sổ” - ông Kingston Reif, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về giảm thiểu đe dọa và kiểm soát vũ khí, nói với tờ The New York Times.

Một công đoạn trong quá trình xử lý vũ khí hóa học. Nguồn: THE NEW YORK TIMES

Những vũ khí chết chóc

Quân đội Mỹ phải mất hàng thập niên để phá hủy các kho vũ khí hóa học. Tuy nhiên, công việc này đã sắp hoàn thành.

Việc tiêu huỷ vũ khí hóa học tại kho hóa chất Pueblo đã hoàn thành vào cuối tháng 6. Chỉ trong vài ngày tới, toàn bộ các vũ khí hóa học tại kho hóa chất Blue Grass ở bang Kentucky cũng sẽ bị tiêu hủy. Theo The New York Times, khi số vũ khí tại kho hóa chất Blue Grass bị xóa sổ, nước Mỹ sẽ không còn vũ khí hóa học.

Các kho vũ khí hóa học của Mỹ được xây dựng trong nhiều năm và khiến nhiều người hoảng hốt khi biết về quy mô và mức độ nguy hiểm của nó. Trong các kho này có nhiều bom chùm, địa lôi chứa đầy chất độc thần kinh. Các kho này cũng là nơi chứa những quả đạn pháo có khí mù tạt bên trong và cả những thùng chứa chất độc hóa học có thể dùng để phun từ trên máy bay xuống.

Việc sử dụng các loại vũ khí này được coi là vô nhân đạo và đã bị lên án kịch liệt từ sau Thế chiến I. Tuy nhiên, sau đó, Mỹ và nhiều cường quốc vẫn tiếp tục mở rộng kho chứa và phát triển các loại vũ khí này. Một số nước thậm chí còn phát triển các chất độc thần kinh như VX và sarin - những chất độc có thể gây chết người với lượng nhỏ.

Mỹ cũng từng có một chương trình vũ khí sinh học và chiến tranh vi trùng quy mô lớn nhưng những vũ khí đó đã bị tiêu hủy vào những năm 1970. Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Công ước về Vũ khí hóa học vào năm 1997, giới chức nước này cũng đã cam kết loại bỏ toàn bộ vũ khí hóa học trong kho vũ khí của mình.

Các thùng chứa hình trụ lớn được sử dụng để vận chuyển vũ khí hóa học từ hầm chứa đến cơ sở xử lý. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Các thùng chứa hình trụ lớn được sử dụng để vận chuyển vũ khí hóa học từ hầm chứa đến cơ sở xử lý. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tuy nhiên, việc tiêu hủy vũ khí hóa học không hề dễ dàng. Các loại vũ khí này được chế tạo để bắn chứ không phải để tháo ra rồi tiêu hủy. Sự kết hợp giữa chất nổ và chất độc khiến chúng trở nên đặc biệt nguy hiểm khi xử lý.

“Chúng tôi đã phải chiến đấu và mất nhiều thời gian, nhưng tôi nghĩ chúng tôi nên tự hào về điều đó” - ông Reif nói.

Các cường quốc khác cũng đã tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của họ. Anh tiêu hủy các vũ khí này vào năm 2007, Ấn Độ tiêu hủy vào năm 2009 và Nga tiêu hủy vào năm 2017. Nhưng các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo vũ khí hóa học vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn.

Đấu tranh để loại bỏ

Những người tham gia tiêu hủy các vũ khí cho rằng kho vũ khí khổng lồ của Mỹ là bằng chứng cho sự điên rồ của con người. Tuy nhiên, nỗ lực mấy mươi năm qua để tiêu hủy các vũ khí này lại là minh chứng sống động cho năng lực của nhân loại.

Sở dĩ công việc tiêu hủy vũ khí mất nhiều thời gian như vậy một phần vì phải đáp ứng yêu cầu của người dân và các nhà lập pháp bảo đảm hoạt động này không được gây nguy hiểm cho các cộng đồng xung quanh.

Vào cuối tháng 6, tại nhà kho Blue Grass, bang Kentucky, các công nhân đã cẩn thận kéo các ống đựng hỏa tiễn chứa đầy sarin ra khỏi hầm chứa bằng bê tông. Các công nhân phải mặc quần áo bảo hộ và đeo găng tay, chụp X-quang các ống để xem các đầu đạn bên trong có bị rò rỉ hay không.

Sau đó, họ đưa các vũ khí này xuống băng chuyền. Đó là công đoạn xử lý vũ khí hóa học cuối cùng có sự tham gia của con người. Các robot sẽ xử lý phần việc còn lại.

Công nhân tại kho vũ khí Blue Grass giám sát các robot phá hủy vũ khí hóa học. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Công nhân tại kho vũ khí Blue Grass giám sát các robot phá hủy vũ khí hóa học. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tất cả vũ khí hóa học về cơ bản đều có chung một thiết kế: một đầu đạn có thành mỏng chứa đầy chất lỏng và một lượng thuốc nổ nhỏ để làm nổ tung loại vũ khí đó trên chiến trường. Sau khi phát nổ, chúng sẽ để lại một đám bụi nhỏ, sương mù hoặc hơi nước. Đó chính là khí độc.

Trong quá khứ, quân đội Mỹ cam kết sẽ chỉ sử dụng vũ khí hóa học để đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của kẻ thù. Trên thực tế, nước này tích lũy lượng lớn vũ khí hóa học đến nỗi không có kẻ thù nào dám mang vũ khí hóa học của họ ra nghênh chiến trước.

Vào những năm 1960, Mỹ có một mạng lưới cực kỳ bí mật gồm các nhà máy sản xuất và khu phức hợp lưu trữ vũ khí hóa học trên toàn cầu.

Trước năm 1968, dư luận không có nhiều thông tin về quy mô và mức độ nguy hiểm của các kho dự trữ vũ khí hóa học của Mỹ. Cho đến một buổi sáng mùa xuân đầy tuyết năm 1968, khi 5.600 con cừu tại gần địa điểm thử nghiệm vũ khí hóa học ở bang Utah chết một cách bí ẩn, người ta mới bắt đầu dành sự quan tâm nhiều đến những vũ khí này.

Dưới áp lực của Quốc hội Mỹ, các nhà lãnh đạo quân sự nước này thừa nhận quân đội đã thử nghiệm chất độc VX gần đó.

Và khi biết rõ về quy mô của những chương trình như vậy, công chúng Mỹ đã phản ứng gay gắt, yêu cầu phải tiêu hủy các loại vũ khí hóa học này. Ban đầu, quân đội định tiêu hủy các vũ khí hóa học theo cách chất chúng lên những con tàu lỗi thời và sau đó đánh đắm các con tàu đó trên biển. Kế hoạch này bị người dân phản đối kịch liệt.

Quân đội Mỹ đã đề ra cách khác là đốt chúng trong những lò đốt khổng lồ. Tuy nhiên, công chúng Mỹ vẫn không đồng tình với cách xử trí này. Theo yêu cầu của quốc hội, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát triển các kỹ thuật mới để tiêu hủy vũ khí hóa học mà không cần đốt cháy.

Công nhân tại kho Blue Grass được kiểm tra để đảm bảo không còn dư lượng hóa chất trên người sau khi xử lý vũ khí. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Công nhân tại kho Blue Grass được kiểm tra để đảm bảo không còn dư lượng hóa chất trên người sau khi xử lý vũ khí. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bà Irene Kornelly (77 tuổi) là chủ tịch ủy ban giám sát quá trình tiêu hủy vũ khí tại kho hóa chất Pueblo trong 30 năm qua. Trong suốt quá trình đó, bà đã theo dõi quá trình tiêu hủy của gần 1 triệu đạn pháo.

“Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ ngày này sẽ đến” - bà nói.

Bên ngoài kho, khi nhìn thấy các công nhân ăn mừng vì hoàn thành quá trình tiêu hủy vũ khí, bà Kornelly mỉm cười. Quá trình tiêu hủy đã diễn ra suôn sẻ, an toàn đến mức nhiều cư dân trong vùng đã quên mất là nó đang diễn ra.

“Hầu hết mọi người ngày nay không biết rằng quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học đã xảy ra. Họ không bao giờ phải lo lắng về điều đó. Và tôi nghĩ như vậy cũng tốt” - bà Kornelly nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm