Tờ The Wall Street Journal mới đây có bài viết nhận định cạnh tranh Mỹ - Trung sau một khoảng thời gian dài được giữ phần lớn ở địa hạt chính trị, ý thức hệ thì hiện bắt đầu dịch chuyển sang lĩnh vực kinh tế, khi hai cường quốc này phát tín hiệu sẽ chạy đua về tăng trưởng.
Lãnh đạo Mỹ - Trung kỳ vọng cao vào kinh tế
Giới lãnh đạo Trung Quốc (TQ) từ lâu mong muốn đưa kinh tế nước nhà vượt mặt kinh tế Mỹ. Cố lãnh đạo Mao Trạch Đông cuối những năm 1950 đặt mục tiêu “bắt kịp Anh và vượt Mỹ” trong thời kỳ đại nhảy vọt. Sau khi cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mở ra kỷ nguyên “cải cách và mở cửa” năm 1978, TQ đã phát triển nhanh chóng suốt nhiều năm. Từ quy mô kinh tế bằng Mexico cuối những năm 1970, kinh tế TQ đã vươn lên bằng kinh tế Pháp vào đầu những năm 2000. TQ tiếp tục vượt Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 nhưng vẫn kém xa Mỹ.
“Washington và Bắc Kinh đang biến việc phát triển kinh tế thành cuộc cạnh tranh xem quốc gia nào phát triển nhanh hơn. Điều đó quan trọng về mặt chính trị với cả hai cường quốc” - chuyên gia ARTHUR KROEBER thuộc công ty tư vấn kinh tế Gavekal Dragonomics (TQ) đánh giá.
Trong cuộc gặp các lãnh đạo Nga, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ tuần trước, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình dường như cũng muốn gửi thông điệp tới Nhà Trắng khi tái khẳng định mục tiêu tăng trưởng năm 2022 của TQ là 5,5%. Mức ông Tập đưa ra cao hơn mức Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán là 4,3%.
Về phía Mỹ, trên Twitter mới đây, Tổng thống Joe Biden cho biết nhiều chuyên gia đồng ý rằng Mỹ đang có địa vị kinh tế hơn hẳn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trước đó, ông cũng có một bài viết đăng trên The Wall Street Journal khẳng định rằng nền kinh tế Mỹ năm nay phát triển rất mạnh mẽ và có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn TQ lần đầu tiên kể từ năm 1976.
Nền kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ sau thời gian chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tuy lạm phát đang tăng cao khiến Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải tăng lãi suất với tốc độ chưa có tiền lệ, WB vẫn dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay.
Từ dự đoán của WB và các tuyên bố của ông Biden lẫn ông Tập, có thể thấy cả hai vị lãnh đạo đều tự tin về đà tăng trưởng của nền kinh tế nước mình và đặt kỳ vọng cao hơn tính toán của chuyên gia.
Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Joe Biden (phải) đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao cho kinh tế nước nhà. Ảnh: AP |
Nhiều thách thức với cả hai
The Wall Street Journal cho hay Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tăng cường khả năng cạnh tranh với TQ. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ lại cho rằng giờ nên tập trung giải quyết lạm phát trong nước trước và dỡ bỏ thuế quan đối với một loạt sản phẩm TQ có thể giúp đạt được mục tiêu này. Đây cũng có thể là chủ đề thảo luận khi hai lãnh đạo dự kiến trao đổi trong những tuần tới.
Nếu người Mỹ quan tâm nhiều đến tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp, mức tăng trưởng hằng năm luôn là dữ liệu kinh tế được theo dõi nhiều nhất tại TQ. Trong thời gian dài TQ luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế hai con số nhưng năm nay mục tiêu đã hạ xuống mức thấp nhất trong 30 năm trở lại đây. Dù vậy giới quan sát cho rằng chính quyền ông Tập vẫn khó có thể đạt mục tiêu này nếu không từ bỏ chiến lược “zero COVID”.
Một khảo sát của công ty tư vấn kinh tế Gavekal Dragonomics (Hong Kong) chỉ ra số TP còn duy trì các hạn chế chống dịch chiếm 5% GDP của TQ, đã ít gần 50% so với hồi tháng 4. Tuy nhiên, theo chuyên gia Arthur Kroeber tại Gavekal Dragonomics, “trừ khi sẵn sàng thay đổi chiến lược “zero COVID”, còn không họ sẽ lại đặt ra nhiều hạn chế nữa khi dịch bùng phát lại”. Có vẻ chính phủ TQ cũng đã nhận thấy điều này. Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa nền kinh tế phát triển trở lại.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh làm quá ít để thúc đẩy tiêu dùng trong khi tiếp tục dồn nguồn lực vào các khoản đầu tư sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng kinh tế.
“Điều kinh tế TQ thực sự cần lúc này là hỗ trợ phía cầu, đồng nghĩa giúp người dân có mức thu nhập cao hơn và được hưởng hệ thống an sinh xã hội mạnh mẽ hơn. Đây là cách duy nhất để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư kinh doanh” - theo GS Michael Pettis thuộc ĐH Bắc Kinh (TQ).
Hiện đang có cảnh báo rằng việc chính phủ TQ có xu hướng tăng kiểm soát nền kinh tế sẽ dẫn tới nguy cơ giảm năng suất và thu hẹp lực lượng lao động, có thể cản bước tăng trưởng.
Viễn cảnh kinh tế TQ vượt Mỹ đã được nhiều chuyên gia nghĩ đến. Ông Bert Hofman, cựu giám đốc WB tại TQ, nhận định dù có những kịch bản khả thi rằng GDP của TQ sẽ vượt Mỹ trong hai thập niên tới, điều này phụ thuộc vào cách Bắc Kinh ứng phó với các thách thức. Và theo cảnh báo của ông Hofman thì “những cải cách nửa vời sẽ ngăn TQ bắt kịp mục tiêu”.•
Tăng trưởng Mỹ, Trung Quốc
trong năm 2021 và đầu năm 2022
Theo số liệu Tổng cục Thống kê TQ (NBS) công bố đầu năm nay, năm 2021, GDP của TQ tăng trưởng 8,1% so với năm 2020. GDP trong quý I-2022 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 1,3% so với quý IV-2021.
Tháng 6, WB dự báo tăng trưởng GDP của TQ năm nay sẽ giảm mạnh xuống mức 4,3%, thấp hơn mục tiêu 5,5% mà nước này đề ra cho năm 2022. Lý do vì dịch COVID-19 bùng phát. Đà tăng trưởng khả năng có phục hồi trong nửa cuối năm 2022, theo WB.
Về Mỹ, theo WB, trong năm 2021, GDP của Mỹ tăng 5,5% - mức tăng trưởng hằng năm cao nhất kể từ năm 1984. Riêng quý IV-2021, theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), nền kinh tế hàng đầu thế giới tăng trưởng với tốc độ bất ngờ 6,9%.
Tuy nhiên, kinh tế Mỹ chứng kiến đợt sụt giảm 1,4% trong quý I-2022. Đây là lần sụt giảm GDP đầu tiên của Mỹ kể từ năm 2020. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 6 thì tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 sẽ nằm ở mức 2,9%, thấp hơn mức 3,7% vào tháng 4. DƯƠNG KHANG