Mỹ xúc tiến thương vụ 1 tỉ USD vũ khí cho Qatar, bán tên lửa cho Phần Lan

(PLO)- Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận xúc tiến thương vụ bán vũ khí trị giá hơn 1 tỉ USD cho Qatar, thông qua kế hoạch bán tên lửa chiến thuật và các thiết bị liên quan cho Phần Lan.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-11, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận sẽ xúc tiến thương vụ bán vũ khí trị giá hơn 1 tỉ USD cho Qatar sau một thời gian dài trì hoãn, bao gồm 10 máy bay không người lái (UAV), 200 thiết bị đánh chặn UAV và các linh kiện cùng trang thiết bị liên quan, theo hãng tin AP.

"Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ bằng cách giúp cải thiện an ninh cho Qatar, một quốc gia thân thiện. Điều này sẽ tiếp tục tạo sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở khu vực Trung Đông” - Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo.

Theo cơ quan này, thoả thuận sẽ “cải thiện khả năng đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai của Qatar bằng cách cung cấp khả năng động học và điện tử đối với các hệ thống máy bay không người lái”.

Các máy bay không người lái do Mỹ cung cấp sẽ giúp Qatar giám sát cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên rộng lớn của nước này và ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố.

Một chiếc UAV MQ-9 Reaper tại căn cứ quân sự Fort Huachuca, bang Arizona (Mỹ). Ảnh: RT

Một chiếc UAV MQ-9 Reaper tại căn cứ quân sự Fort Huachuca, bang Arizona (Mỹ). Ảnh: RT

Qatar đã đề nghị mua UAV, bao gồm UAV tấn công MQ-9 hiện đại, vào năm 2020. Chính quyền Doha đã đặt mục tiêu hoàn thành việc mua bán kịp thời để tăng cường an ninh cho World Cup.

Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ chặt chẽ giữa 2 nước cũng như lời kêu gọi của Lầu Năm Góc, giới chức Mỹ đã chậm phê duyệt thỏa thuận này do lo ngại làm phật lòng các đồng minh ở Trung Đông như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain, những quốc gia vốn có mối quan hệ không tốt với Qatar.

Ngay cả khi Qatar đón hàng nghìn người tị nạn và giúp giảm bớt tình trạng hỗn loạn khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm ngoái, chính quyền Doha vẫn phải vật lộn để có được câu trả lời rõ ràng từ Washington về điều gì đã cản trở giao dịch UAV.

MQ-9 Reaper là một trong những máy bay chiến đấu không người lái chủ lực của Mỹ, được sử dụng trong các nhiệm vụ trinh sát và tấn công các mục tiêu bằng vũ khí có độ chính xác cao.

Hiện MQ-9 Reaper được trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển AGM-114 Hellfire, bom điều khiển laser GBU-12 Paveway II, tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder.

Một máy bay chiến đấu mang bom dẫn đường bằng laser do Mỹ sản xuất và tên lửa Sidewinder. Ảnh: AFP

Một máy bay chiến đấu mang bom dẫn đường bằng laser do Mỹ sản xuất và tên lửa Sidewinder. Ảnh: AFP

Cũng trong ngày 29-11, Bộ Ngoại giao Mỹ còn “bật đèn xanh” cho kế hoạch bán tên lửa chiến thuật và các thiết bị liên quan cho Phần Lan. Giá trị thương vụ được dự kiến sẽ rơi vào khoảng 323 triệu USD, RT đưa tin.

Phần Lan - quốc gia vừa nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu - dự kiến sẽ nhận được 40 tên lửa chiến thuật AIM 9X Block II và 48 tên lửa “không động cơ” AGM-154.

Theo thông tin từ Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA), quốc gia Bắc Âu có kế hoạch sử dụng các loại vũ khí do tập đoàn quốc phòng Raytheon sản xuất cho phi đội máy bay của mình.

DSCA cho biết thỏa thuận “sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách cải thiện an ninh của một đối tác đáng tin cậy, một lực lượng quan trọng đối với sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế ở châu Âu.

“Việc đề xuất bán thiết bị và hỗ trợ quân sự này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực” - DSCA nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm