Theo Reuters, các tay súng đã phối hợp tấn công vào 24 đồn cảnh sát ở khắp bang và âm mưu đột nhập vào một căn cứ quân sự.
Đây là vụ việc mới nhất xảy ra trong bối cảnh bạo lực căng thẳng gia tăng giữa lực lượng chính phủ và người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Myanmar. Hồi tháng 10-2016 cũng từng xảy ra một vụ tấn công tương tự khiến 9 cảnh sát thiệt mạng. Chính quyền đã thẳng tay đáp trả, tuy nhiên cũng nhận nhiều chỉ trích vì quân đội chính phủ vi phạm nhân quyền, hãm hiếp và hành quyết người Rohingya.
Quân nổi loạn Myanmar tấn công vào các đồn cảnh sát và căn cứ quân sự khiến 5 cảnh sát thiệt mạng. Ảnh: REUTERS
Chiến dịch phản công này của chính phủ đã khiến 87.000 người Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh. Chính phủ Myanmar đã đã phủ nhận báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ trích nước này vi phạm nhân quyền hồi tháng 2-2017.
"Thông tin ban đầu cho thấy có ít nhất 5 cảnh sát đã bị giết, hai khẩu súng bị lấy đi và 7 thi thể của các tay súng người Bengali đã bị thu giữ", một tuyên bố của chính phủ cho biết. “Bengali” là từ mà chính phủ Myanmar dùng để nhắc đến người Rohingya.
Trong một vụ tấn công, 150 đối tượng đã tìm cách đột nhập vào một căn cứ quân đội trong khi ném bom vào một căn cứ khác.
Thông báo từ chính phủ cho biết: "Các phần tử cực đoan người Bengali đã tấn công bằng bom vào một đồn cảnh sát ở khu vực Maungdaw, phía bắc bang Rakhine và phối hợp tấn công vào một số đồn cảnh sát khác vào lúc 1 giờ sáng”.
Cảnh sát bảo vệ trật tự khu vực khi cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đến thăm TP Sittwe, bang Rakhine, Myanmar. Ảnh: SCMP
Vụ tấn công diễn ra một ngày sau khi Ủy ban Cố vấn do cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan lãnh đạo công bố báo cáo cuối cùng về xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Myanmar. Báo cáo này cảnh báo việc người Hồi giáo Rohingya có thể trở nên quá khích nếu tình hình diễn ra trầm trọng hơn.
Hàng trăm binh lính đã được điều động tới khu vực này hồi đầu tháng 8 để đàn áp phiến quân nổi loạn và xoa dịu tình hình căng thẳng giữa người Rohingya và cộng đồng Phật giáo trong khu vực.