Đây là thông tin được lãnh đạo EVNHCMC đưa ra tại cuộc làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành về hóa đơn điện, ngày 3-7. Đoàn kiểm tra gồm có đại diện Bộ Công Thương, EVN, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, trong tháng 6-2020, EVNHCMC đã thực hiện phúc tra 374.260 khách hàng; Trong đó có 251.531 sinh hoạt có điện năng tiêu thụ tăng 1,3 lần trở lên và đã thực hiện kiểm tra, phúc tra 100%.
Qua phúc tra, EVNHCMC đã phát hiện và điều chỉnh sửa sai chỉ số, hoá đơn cho 13 trường hợp nhân viên ghi sai chủ quan, chiếm tỉ lệ gần 0,17%.
Công tác kiểm tra, phúc tra được các công ty điện lực ứng dụng công nghệ qua phần mềm thu thập chỉ số công tơ điện tử, phần mềm phúc tra chỉ số công tơ bằng thiết bị cầm tay, trực tiếp đến hiện trường…
Các trường hợp sau khi phúc tra có phát hiện sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ đều được các đơn vị hiệu chỉnh trước khi phát hành hoá đơn đến khách hàng, hoặc lập biên bản sửa sai và lập hoá đơn điều chỉnh nếu đã phát hành hoá đơn.
Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát công tác ghi chỉ số công tơ điện tại TP.HCM. Ảnh: TA
Theo ông Kiên, 100% các kiến nghị, thắc mắc của khách hàng đều được các công ty điện lực giải quyết. Khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết. Theo đó, các yêu cầu liên quan đến hoá đơn tiền điện gồm các nội dung như tra cứu chỉ số, tra cứu hoá đơn, yêu cầu kiểm tra, kiểm định công tơ, nghi ngờ việc ghi chỉ số công tơ, tính hoá đơn, tiền điện tăng cao.
Hiện nay, EVNHCMC đang áp dụng hai cách thức thông báo sản lượng điện tiêu thụ sau khi ghi điện. Một là, đối với ghi điện tại nhà, việc gửi thông báo tiền điện được thực hiện từ thông báo giấy in trực tiếp ngay sau khi ghi điện. Đối với đo xa, việc gửi thông báo được thực hiện qua tin nhắn cSMS/Email/Apps/Zalo từ hệ thống chăm sóc khách hàng.
Về lộ trình công tơ điện tử, theo báo cáo của EVNHCMC, tính đến tháng 6-2020, EVNHCMC quản lý hơn 2,5 triệu công tơ; Trong đó có 1,19 triệu công tơ tơ điện tử có chức năng đo xa, chiếm 46,58%. Theo đánh giá đây là tỉ lệ khá thấp so với mặt bằng chung của các khu vực khác.
Ông Bùi Trung Kiên lý giải, áp dụng công tơ điện tử là sự trăn trở của ngành điện. Tổng công ty cần phải cân đối phân bổ nguồn vốn, trên cơ sở tiết kiệm các chi phí khác. Tuy nhiên, việc sử dụng công tơ điện tử đang được EVNHCMC nghiên cứu, đẩy nhanh áp dụng rộng rãi hơn để đảm bảo tính chính xác cao.
Dự kiến hết năm 2020, TP.HCM áp dụng công tơ điện tử với tỉ lệ 80%, đến năm 2021 sẽ đạt tỉ lệ 100%. “Lộ trình này có thực hiện được hay không tùy vào điều kiện tài chính của tổng công ty”- Ông Kiên chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ tại EVNHCMC; Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ điện, cũng như phục vụ giải đáp các thắc mắc của khách hàng.
Qua tìm hiểu của PV, hiện trên thị trường có rất nhiều loại công tơ điện tử, có giá khoảng 300.000-700.000 đồng/công tơ, tùy loại. Công tơ điện tử có giá 300.000 đồng là loại thông thường và không có chức năng đo xa, còn với loại 600.000-700.000 đồng có nhiều chức năng hơn như cảnh báo mất điện. Ngoài công tơ, khách hàng cũng cần có bộ tập trung dữ liệu (DCU); bộ thiết bị này sẽ đọc dữ liệu và truyền về máy chủ tập trung,…
Ông Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Công ty Điện lực Tân Phú (PC Tân Phú, thuộc EVNHCMC), cho biết với 115.508 công tơ trên lưới, số lượng công tơ điện tử ghi chỉ số từ xa của PC Tân Phú trong tháng 6 chiếm tỉ lệ 89,95%, còn lại là công tơ cơ được ghi chỉ số trực tiếp và giao nhận dữ liệu qua máy tính bảng. PC Tân Phú là một trong những công ty điện lực có chỉ số tiếp cận điện năng tốt của EVN, thậm chí có tiêu chí sửa chữa, giải quyết khắc phục sự cố điện còn cao hơn một số thành phố trong khu vực ASEAN. Hiện tại các bộ phận của PC Tân Phú phúc tra nếu phát hiện sai sót đều báo cho nhân viên kiểm soát cập nhật lại chỉ số. Trước khi tính hóa đơn sẽ thực hiện thống kê lại các trường hợp có điện năng tăng, giảm bất thường để rà soát lại lần cuối. Trong tháng 6, PC Tân Phú đã thực hiện phúc tra 16.524 khách hàng. Kết quả ghi nhận không có trường hợp nhân viên ghi sai chủ quan. |