Ông Điền liệt kê năm bài học, với thứ tự sắp xếp gồm: (1) Dân vận, vận động quần chúng tốt thì vụ việc đáng tiếc này không xảy ra. (2) Tôn trọng, chấp hành và thực thi luật pháp kể cả khi xử lý vi phạm hành chính trước đây của ông Vươn, cũng như cưỡng chế thu hồi đất sau này. (3) Kiểm soát các quyết định, văn bản hành chính để đảm bảo tuân thủ pháp luật. (4) Đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cán bộ và công tác kiểm tra, đôn đốc của cấp trên. (5) Thông tin, tuyên truyền cần chủ động, nhất quán.
Năm bài học ông chủ tịch Hải Phòng rút ra có thể đúng nhưng dứt khoát chưa đủ. Ở đây thiếu một bài học quan trọng nhất, nằm gọn trong hai chữ dân chủ.
Nếu thực sự coi dân là chủ, những công bộc ở huyện Tiên Lãng đã không gài những nông dân chân chất như anh Vươn, ông Luân ký một bản thỏa thuận “rút đơn thì cho thuê đất”, để rồi đặt dân vào bẫy pháp lý của tố tụng hành chính, đợi tòa đình chỉ vụ án là ra quyết định thu hồi, cưỡng chế.
Nếu thực sự coi dân là chủ, thì 7-8 năm trước, họ đã kịp thời lắng nghe những kiến nghị của các hộ nông dân, mà đại diện là Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng. Nhờ đó, họ đã sớm phát hiện những vi phạm pháp luật đất đai nghiêm trọng của mình.
Nếu thực sự coi dân là chủ, thì 3-4 năm trước, khi những bài báo đầu tiên phản ánh về những lo ngại, bức xúc của nông dân Tiên Lãng được phát hành, họ đã kịp rà soát lại những quyết định, văn bản hành chính trái pháp luật của mình.
Nếu thực sự coi dân là chủ, thì ngay khi báo chí - diễn đàn thông tin của nhân dân - lên tiếng, các công bộc của dân, từ Tiên Lãng cho đến cấp trên Hải Phòng, đã kịp nhận ra sai lầm nghiêm trọng của mình thay vì phải gần tháng sau, khi Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo mới nhận lỗi, sửa sai...
Dân chủ vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển đất nước. Điều đó đã được nhấn mạnh trong Cương lĩnh chính trị và nhiều văn kiện của Đảng. Đấy mới là bài học lớn nhất, không chỉ cho Hải Phòng mà cả các địa phương khác trên cả nước trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân.
NGHĨA NHÂN